Điểm thấp là chuyện đã rồi, bạn có muốn thay đổi cũng không làm gì khác được, nên cách tốt nhất là tiến về phía trước và tìm cho mình một lối thoát! Cùng nghía qua những giải pháp được nhiều sinh viên Mỹ lựa chọn nhé.

Giải thích nhiệt tình!

Những người làm công tác tuyển sinh hoàn toàn có thể hiểu được việc thành tích học tập của bạn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề gia đình, bệnh tật, mất mát hay những sự di chuyển chỗ ở bất ngờ… Đừng ngại ngần viết về những khó khăn đó trong lá thư bày tỏ nguyện vọng (Statement of Purpose) hay gửi kèm các giấy tờ có thể làm rõ vấn đề của bạn (giấy chứng nhận của bệnh viện chẳng hạn).

Cách vào các trường đại học tại Mỹ khi bị điểm thấp

Cách vào các trường đại học tại Mỹ khi bị điểm thấp

Cách tốt nhất là thẳng thắn xác nhận việc bạn bị điểm thấp và nói rõ những lí do ảnh hưởng đến kết quả đó. Quan trọng là bạn phải dám nhận trách nhiệm về phía mình mà không có thái độ “đổ tội” cho những vấn đề nói trên. Cuối thư, bạn có thể khẳng định sự quyết tâm của mình cho hành trình sắp tới. IvyWise, CEO một tổ chức tư vấn giáo dục chia sẻ: “Ai cũng phạm sai lầm và ngoài kia không có ai là hoàn hảo. Quan trọng là bạn có thể học được gì từ những lỗi lầm đó – nếu có thể, hãy giải thích điều đó một cách chín chắn và thấu đáo, nhà trường sẽ hiểu điều đó”.

Cần một lời đề cử!

Hãy tìm đến thầy giáo hoặc thầy trưởng khoa để xin một lá thư tiến cử. Một lá thư được ban tuyển sinh trông đợi thường đến từ một vị thầy giáo đã từng làm việc trực tiếp với bạn, có cái nhìn thấu đáo về những tiến triển trong quá trình học tập của bạn trước đó. Từ bây giờ, bạn nên xây dựng một mối quan hệ gắn bó với các giáo viên và nhờ họ soạn sẵn cho mình một lá thư tiến cử hay ho.

Biết mình biết ta

Không nên đăng ký nhập học quá sớm ở đầu kỳ tuyển sinh vì độ cạnh tranh sẽ rất cao. Chờ đợi đến giữa hoặc cuối cuối kỳ tuyển sinh để đăng ký, tranh thủ thêm thời gian để tìm cách tăng điểm số của mình. Việc chuẩn bị ngay từ bây giờ là vô cùng quan trọng. Bạn có thể sử dụng thời gian rỗi để học thêm, quyết tâm tăng điểm trung bình, gặp gỡ giáo viên để hỏi thăm về những điểm yếu của mình để có thể cải thiện sớm. Nếu có cơ hội thi lại để tăng điểm thì nhất định bạn không được bỏ qua. Đây cũng là một điểm quan trọng bạn nên trình bày trong thư bày tỏ nguyện vọng của mình, thể hiện quyết tâm và nỗ lực cải thiện bảng điểm của mình trước khi apply.

Thử học trường Cao đẳng cộng đồng

Đối với những sinh viên không có đủ hành trang kiến thức cho chương trình Đại học kéo dài “một mạch” 4 năm, các chuyên gia tuyển sinh thường khuyên họ đăng ký vào các trường cao đẳng cộng đồng. Chỉ cần một năm ở trường cao đẳng, bạn sẽ có thể góp nhặt đủ những kiến thức cần thiết để xin chuyển qua Đại học. Khi đó chẳng phải bạn vẫn vào Đại học, nhưng theo một cách khác hơn chút xíu? Cách hữu hiệu để hành trình “nâng cấp” diễn ra trót lọt và nhanh chóng đó là bạn cần phải học tập hết mình, ghi nhiều điểm tốt ở trường Cao đẳng cộng đồng.

Ông Jeff Fuller, giám đốc tuyển sinh của trường Houston lên tiếng: “Các trường Cao đẳng cộng đồng sẽ giúp sinh viên trang bị tốt hơn về kiến thức, nâng họ lên cấp độ tương xứng và cho phép họ chuyển sang các chương trình Đại học kéo dài 4 năm.” Giờ là lúc bạn biết mình cần làm gì để thực hiện ước mơ Đại học. Đừng để kết quả trước đây ảnh hưởng tới tương lai của bạn!

Một số câu hỏi trong chương trình tư vấn du học Mỹ

Có thể du học Mỹ khi học bạ quá thấp?

Em muốn đi du học Mỹ, nhưng em chỉ là học sinh trung bình. Em cũng không biết nhiều về nước Mỹ. Mong anh chị có thể giúp em giải đáp qua thư. Sau đây là một số thông tin có thể giúp bạn trả lời câu hỏi trên. Ông Charles Bennett, Trưởng bộ phận lãnh sự và ông John Aloia, Giám đốc bộ phận thị thực không di dân thuộc Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM đã có cuộc gặp gỡ với báo chí TPHCM

Các trường hợp nào bị từ chối cấp visa du học Mỹ?

Ông CHARLES BENNETT: Người xin thị thực phải đáp ứng đủ 3 tiêu chuẩn theo luật di trú của Mỹ: thứ nhất là phải có đủ tài chính trang trải cho chuyến đi, sinh viên phải có đủ tiền đóng học phí, không ở lại tìm việc ở Mỹ hoặc trở thành gánh nặng của nước Mỹ; thứ hai, người xin thị thực phải thực hiện đúng mục đích đã nêu trong đơn xin thị thực; thứ ba, những người được cấp thị thực phải chứng minh rằng họ sẽ trở về nước (kể cả sinh viên). Chúng tôi xin khẳng định hiện nay không có bất cứ văn phòng nào ngoài Tổng lãnh sự quán (hay Đại sứ quán Mỹ) phụ trách dịch vụ xin thị thực. Các sinh viên lưu ý đối với mẫu đơn I 20, nếu có trục trặc về ngày, tháng, năm sinh, tên... sẽ dễ bị từ chối và bị hẹn làm hồ sơ lại.

Ông JOHN ALOIA: Cần lưu ý, điểm trong học bạ của sinh viên không phải là yếu tố quyết định đến việc cấp thị thực. Nhiều sinh viên lo ngại dưới 7 điểm thì sẽ không được cấp thị thực.. Xin nhắc lại, chúng tôi sẵn sàng cấp thị thực cho cả học sinh học lực trung bình, miễn là họ chứng tỏ khả năng du học ở Mỹ.

Số lượng sinh viên được cấp thị thực trong năm tăng 54%, cao nhất trong các loại thị thực không di dân. Nguyên nhân có phải do chính sách của Mỹ tạo điều kiện dễ dàng cho du học sinh Việt Nam?

Ông CHARLES BENNETT: Chính sách đối với du học sinh của Mỹ vẫn không thay đổi. Không phải chỉ riêng với Việt Nam, Mỹ chủ trương khuyến khích sinh viên ở tất cả các nước đến với nền giáo dục của Mỹ. Có chăng là chính sách hợp tác phát triển giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ gần đây được thúc đẩy. Cả hai nước xem hợp tác giáo dục là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất. Ngoài việc sinh viên Việt Nam tới Mỹ du học, Mỹ cũng muốn đưa nhiều sinh viên của mình và cả các giáo sư đến Việt Nam học tập. Năm rồi, một hội nghị về giáo dục đã được Đại sứ quán Mỹ tổ chức tại Hà Nội, năm nay sẽ tổ chức tại TPHCM. Số lượng sinh viên Việt Nam được cấp thị thực sang Mỹ tăng nhanh còn cho thấy sinh viên Việt Nam đã chuẩn bị tốt các điều kiện để du học, trong đó đáng chú ý là trình độ Anh văn ngày càng tiến bộ.

Có phải thủ tục cấp thị thực gần đây được đẩy nhanh hơn?

Ông CHARLES BENNETT: Lượng đơn xin cấp thị thực ngày càng đông nhưng nhân viên chúng tôi vẫn không tăng. Một trong những phương pháp chúng tôi đã thay đổi là giảm thời gian chờ phỏng vấn. Nhờ hệ thống thông báo hẹn phỏng vấn qua mạng nên thời gian chờ phỏng vấn đã rút ngắn rất nhiều, thậm chí nhiều trường hợp hôm nay nộp đơn, ngày mai được hẹn phỏng vấn. Thông thường trước đây người xin thị thực phải chờ phỏng vấn tối đa là 2 tuần. Thời gian chờ phỏng vấn cũng tùy thuộc vào từng nước. Ở Việt Nam thuộc loại nhanh, một số nước phải chờ đến 4 tháng.

Lưu ý: Các thông tin trên đây có thể không đúng trong tất cả các thời điểm, bạn có thể liên hệ với các công ty tư vấn du học Mỹ để được tư vấn thêm.

Nguồn: USNEWS