Cách học hiệu quả để vượt qua 2 kỳ thi

Nếu ôn tập với phương pháp phù hợp, việc vượt qua 2 “bức tường” tốt nghiệp THPT và đậu ĐH là điều không quá khó.

Nhiều giáo viên THPT tại TP.HCM cho rằng, đề thi tốt nghiệp THPT và ĐH - CĐ trong những năm gần đây vừa sức, nằm trong chương trình sách giáo khoa, chỉ có một vài câu khó để nhằm phân loại học sinh (HS). Do vậy, đối với việc ôn tập, HS chỉ cần bám sát chương trình sách giáo khoa là có thể đạt kết quả tốt.

 

Tư vấn ôn thi tốt nghiệp 2013 và thi đại học 2013 hiệu quả


Bà Lê Thị Thúy Hồng, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, khuyên: “HS nên học đều, ngày nào cũng nên ôn để nắm vững kiến thức. Hiện nay, giáo viên các trường THPT đều làm đề cương rất kỹ để ôn tập các môn: toán, lý, hóa, văn, Anh văn… do vậy, chỉ cần HS bám sát đề cương của giáo viên ôn là được”. Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tài, nghiên cứu viên chính Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “HS cần tránh tâm lý chủ quan, chờ tới gần ngày thi mới ôn tập sẽ không kịp cho dù có thông minh. Đối với các môn học bài như sử, địa, văn…,  nên chia thời gian ra và ôn đều. Tránh việc chờ đến ngày công bố môn thi tốt nghiệp mới tối mặt học bài, sẽ khó đạt kết quả cao”.

Mặt khác, bà Hồng cũng lưu ý, đối với các môn lý thuyết, có thể ứng dụng bản đồ tư duy vào việc ôn tập. “HS có thể lập hệ thống dàn ý từng chương, từng bài, mục… và dựa vào đó để ôn. Cách này giúp các em hệ thống hóa kiến thức rất tốt. Việc này tiện lợi ở chỗ, nếu các em đi đâu cũng có thể mang bản đồ tư duy theo và chủ động ôn tập được”, bà Hồng cho biết thêm.

Ôn thi theo cách của Thủ khoa đại học

Đối với các môn có nhiều bài tập như toán, lý, hóa, Võ Văn Huy - thủ khoa kỳ thi ĐH năm 2012 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, khuyên: “Những môn này nếu chăm làm bài tập trong sách giáo khoa là đủ kiến thức để thi đậu tốt nghiệp THPT. Riêng chuẩn bị kiến thức thi ĐH, các bạn nên luyện giải thêm đề, dạng bài tập”. Huy chia sẻ kinh nghiệm của chính mình: “Đối với môn toán, sau khi giải hết bài tập trong sách giáo khoa, mình tập hợp đề thi các năm gần đây để giải. Hoặc giải bài tập thêm ở sách tham khảo, nâng cao. Đối với môn hóa, mình học kỹ lý thuyết vì đề thi thường đòi hỏi nhiều về tính chính xác các phương trình phản ứng, số liệu, phương pháp tính. Ở môn vật lý, mình nắm vững lý thuyết. Thông thường, đề vật lý đòi hỏi người làm phải giỏi tính suy luận. Nếu không thuộc được lý thuyết thì không thể suy luận vì các dạng lý thuyết hoặc bài tập đều có liên quan giữa bài này với bài khác, hoặc chương này với chương khác. Thậm chí bài tập có thể liên quan tới nhiều khối lớp trong chương trình THPT”.

Sau khi hoàn thành các mục trên, theo Huy, HS cần tập trung vào việc “ôn tốc độ”. Có nghĩa là luyện kỹ năng giải bài tập sao cho kịp thời gian của đề bài cho phép.

Ngoài các kỹ năng trên, thạc sĩ Tài cũng lưu ý, HS nên tự lập thời gian biểu cho mình: mỗi ngày học bao nhiêu giờ, những môn nào, mục tiêu của ngày, của tuần đó... và phải nghiêm túc với bản thân, mục tiêu đề ra.