Cách chọn ngành thông minh

Cách chọn ngành thông minh


Khi làm công việc phù hợp với sở thích sẽ có động lực, sự hứng khởi và luôn có cảm giác thoải mái, hạnh phúc. Có thể nói lòng say mê, yêu thích đối với nghề sẽ là động lực rất quan trọng để mỗi người ra sức rèn luyện, tự học, tự bồi dưỡng và vượt qua mọi khó khăn.

Ông Trần Đình Hương, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM, phân tích: “Mỗi người đều có những khả năng, điểm mạnh riêng về trí tuệ, văn hóa, thể chất, quan hệ giao tiếp… Những khả năng này nếu được rèn luyện thỏa đáng sẽ phát triển thành kỹ năng và thế mạnh cần có trong nghề nghiệp. Nếu ai đó được làm những công việc thuộc về thế mạnh của họ, sự thành công là hiển nhiên vì họ làm việc rất hiệu quả, dễ dàng đạt chất lượng cao và luôn thấy tự tin, thỏa mãn trong công việc. Ngược lại, nếu người nào đó chọn công việc, nghề nghiệp mà bản thân mình thiếu khả năng, thế mạnh thì mất rất nhiều công sức nhưng hiệu quả và chất lượng khó có thể đạt như mong muốn, thậm chí còn thất bại”.

Cũng theo ông Hương, các yếu tố của bản thân học sinh bao gồm: sở thích, khả năng, cá tính, sức khỏe, giới tính, vị trí của học sinh trong gia đình, ước mơ. “Càng hiểu rõ bản thân, các em càng dễ dàng định hướng nghề nghiệp và đưa ra quyết định phù hợp nhất cho bản thân, xem đó như kim la bàn để khỏi bị lạc đường khi chọn nghề”, thầy Hương nhấn mạnh.

Khi đã biết đam mê lĩnh vực nghề nghiệp thì học sinh sẽ định ra tổ hợp để xét tuyển, chọn trường có điểm chuẩn phù hợp với lực học. Ông Trần Văn Toàn, giáo viên Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM, hướng dẫn chi tiết cách chọn ngành và trường thông minh: “Nên tham khảo điểm chuẩn năm trước các trường mình quan tâm, biên độ biến động thường là 1 điểm. Nếu trung bình điểm chuẩn từng môn của bất kỳ trường nào là 7 điểm trở lên thì những học sinh có học lực từ khá giỏi trở lên mới nên nghĩ đến. Còn những học sinh có học lực trung bình thông thường chỉ đạt điểm sàn nên các trường ngoài công lập là lựa chọn khả quan nhất”.

Tuy vậy, ông Toàn cũng lưu ý riêng với học sinh có học lực trung bình rằng: “Nếu bài kiểm tra trên lớp đạt từ 6 - 7 điểm thì cũng chưa phản ánh đúng trình độ vì thời điểm đó vừa học xong, thêm nữa đề thi sẽ dàn trải kiến thức và có độ khó riêng. Vì vậy đối với nhóm học sinh này các em nên lấy điểm trung bình năm của môn trừ đi 1 - 2 điểm để làm căn cứ lựa chọn”.

Theo ông Hương, điều quan trọng nữa mà học sinh không thể bỏ qua là thị trường tuyển dụng lao động. Học sinh nên tìm hiểu để biết những công việc nào đang có ở địa phương, quốc gia và quốc tế. Những nghề nào đang được xem là có tiềm năng trong tương lai, những kỹ năng thiết yếu nào mà người lao động cần có, nhu cầu của thị trường tuyển dụng về mặt số lượng và chất lượng lao động ra sao.

“Chúng ta có cơ sở vững chắc để đối chiếu, tìm ra mối tương quan giữa mong muốn của bản thân với nhu cầu của thị trường tuyển dụng và đưa ra quyết định chọn nghề một cách thực tế, vừa thỏa mãn được trách nhiệm chung, vừa đáp ứng được sở thích, khả năng của bản thân”, ông Hương tư vấn.

3 nhóm học sinh cần tư vấn nghề nghiệp


Qua thực tế tư vấn cho học sinh Trường THPT Marie Curie, Q.3, TP.HCM, giáo viên Bùi Thị Kiều chỉ ra rằng: “Có 3 nhóm học sinh cần tư vấn nghề nghiệp, đó là thích những ngành nghề chọn nhưng không hiểu, thích ngành nghề chọn nhưng bị ngăn cấm và chưa biết thích ngành nghề gì”.

Đối với những học sinh thích ngành nghề đã chọn nhưng không hiểu những ngành nghề đó thế nào, các giáo viên tư vấn hướng nghiệp đánh giá là nhóm dễ tư vấn nhất vì chỉ cần cung cấp những tài liệu về đặc điểm, nhu cầu nhân lực của ngành nghề để các em tham khảo.

Khó hơn một chút là những học sinh thích chủ yếu là những ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật nhưng bị ngăn cấm. Lúc này người tư vấn cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu thông tin, trình bày những thuận lợi và khó khăn để thuyết phục gia đình.

Công tác tư vấn tuyển sinh 2016 khó nhất là đối với học sinh chưa thích ngành nghề gì. Đây chính là học sinh yếu kỹ năng nhận thức bản thân, không biết mình có năng khiếu gì nổi trội và thường có học lực ở mức độ trung bình. Theo cô Kiều, học sinh nên thực hiện các bài kiểm tra ngành nghề để phân loại thiên hướng, khoanh vùng năng lực, sở thích. Sau đó các em tham khảo ý kiến gia đình và tính điểm trung bình 3 năm học của các môn thi thuộc tổ hợp môn xét tuyển rồi chọn những trường có điểm chuẩn trung bình môn dưới ngưỡng đó.

 

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/cach-chon-nganh-thong-minh-729710.html