Các trường được đầu tư theo xếp hạng

Tuy nhiên ngay tại thời điểm này, nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện luật vẫn gặp khó khăn trong quá trình soạn thảo.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ:

- Sau hơn sáu tháng Luật giáo dục ĐH được Quốc hội thông qua, Bộ GD-ĐT vẫn đang tiếp tục soạn thảo các văn bản hướng dẫn dưới luật. Sẽ có tổng cộng 36 văn bản hướng dẫn thực hiện các điều của Luật giáo dục ĐH. Phần lớn số văn bản này đã được ban hành trong thời gian qua.

 

giao duc dai hoc, luat giao duc, thu truong bui van ga, bo giao duc, tuoi tre

Công bố xếp hạng: sẽ được tính toán cụ thể

Việc hướng dẫn thực hiện luật có nội dung chỉ là điều chỉnh, bổ sung cái đã có, nhưng cũng có nội dung được xem là mới, lần đầu được vận dụng cho giáo dục ĐH Việt Nam. Phải chăng những vướng mắc chủ yếu nằm ở những nội dung chưa có được sự kiểm chứng trong thực tiễn?

- Đúng là những cái chưa được kiểm chứng qua thực tiễn là nội dung khó khăn nhất trong soạn thảo văn bản hướng dẫn. Bộ

GD-ĐT cũng vừa có cuộc làm việc với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội để thống nhất những vấn đề còn nhiều tranh luận. Chẳng hạn việc xếp hạng và phân tầng cơ sở giáo dục ĐH. Theo Luật giáo dục ĐH, các trường ĐH, học viện sẽ được phân thành ba tầng: nghiên cứu, ứng dụng và thực hành nghề nghiệp. Trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục ĐH ghi rõ chương trình đào tạo sắp tới được tổ chức: chương trình CĐ xây dựng theo hướng ứng dụng; ĐH, thạc sĩ theo hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng nghề nghiệp; tiến sĩ xây dựng theo hướng nghiên cứu. Người đang từ hướng ứng dụng muốn sang nghiên cứu sẽ phải học một khối lượng kiến thức chuyển đổi nhất định. Tuy nhiên, quan trọng là việc phân tầng được thực hiện để làm gì? Làm cơ sở cho Nhà nước đầu tư hay chỉ là tài liệu tham khảo cho người học chọn lựa chương trình học tập?

Cũng như vậy, việc xếp hạng trường ĐH là cơ sở cho việc đầu tư hay giúp người học tham khảo trường học phù hợp, nhà tuyển dụng chọn lựa nhân lực theo yêu cầu? Cách làm của chúng ta sẽ không giống với thông lệ quốc tế. Ở các nước, việc xếp hạng trường ĐH do các tổ chức xã hội độc lập công bố để cộng đồng tham khảo, không có cơ quan nhà nước đứng ra công nhận. Song Luật giáo dục ĐH xác định rõ việc xếp hạng trường ĐH phải do Thủ tướng công nhận, ở phạm vi các trường CĐ thì việc công nhận xếp hạng thuộc quyền bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Như vậy, sự công nhận xếp hạng được xem như văn bản pháp quy, làm căn cứ để nhà nước dựa vào thứ hạng cao, thấp của các trường để đầu tư phù hợp. Các nước có thể công bố xếp hạng hằng năm, nhưng ở Việt Nam, vì cấp công nhận là thủ tướng, bộ trưởng, nên định kỳ công bố xếp hạng thế nào sẽ được tính toán cụ thể. Theo kế hoạch, việc ban hành các văn bản hướng dẫn này sẽ được thực hiện trong quý 1-2013.

Được biết, với Luật giáo dục ĐH, sẽ có việc xét công nhận trường ĐH đạt chuẩn quốc gia như việc công nhận chuẩn quốc gia đối với trường phổ thông mà Bộ GD-ĐT đã làm trong nhiều năm qua. Việc công nhận chuẩn quốc gia với trường ĐH khác gì với trường phổ thông, thưa thứ trưởng?

- Trường ĐH đạt chuẩn quốc gia là khái niệm mới. Ở cấp phổ thông, vì thống nhất về chương trình giảng dạy, về tổ chức nên việc xây dựng chuẩn quốc gia đỡ phức tạp hơn. Ở ĐH, chương trình đào tạo rất đa dạng, trường thiên về đào tạo kinh tế khác trường thiên về kỹ thuật, sư phạm, hay khoa học cơ bản... nên quy định về trường ĐH đạt chuẩn quốc gia thế nào vẫn đang được phân tích soạn thảo. Đã có những ý kiến tranh luận xem chuẩn quốc gia với trường ĐH là điều kiện tối thiểu trường ĐH phải có để hoạt động bảo đảm chất lượng hay là chuẩn mà các trường phải vươn tới. Nhưng nếu đặt nó là cái sàn để các trường phải đạt thì không phù hợp khi đã có quy định về điều kiện bảo đảm thành lập trường. Chuẩn quốc gia đang được soạn thảo sẽ là chuẩn mà các trường phải vươn tới.

Trường ngoài công lập hoạt động phi lợi nhuận: ưu đãi như trường công

Lâu nay, nhiều trường ĐH ngoài công lập than họ bị thiệt thòi vì đã mạnh miệng tuyên bố hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng lại không được hưởng bất cứ ưu tiên gì khi hoạt động: về chính sách thuế, về hỗ trợ đầu tư...Liệu khi Luật giáo dục ĐH được thực thi, những bất hợp lý về hoạt động giáo dục lợi nhuận - phi lợi nhuận có được giải quyết?

- Trước nay, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều công bố hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thực tế có rất ít trường tuân thủ theo mục tiêu phi lợi nhuận được như Trường ĐH Thăng Long đã làm. Sẽ phải có những văn bản định lượng rõ ràng thế nào là phi lợi nhuận, như mức lương trả cho giảng viên, cho cán bộ, thành viên hội đồng quản trị... khi so sánh với mức lương của những vị trí tương đương ở trường công lập, chênh lệch thu chi hằng năm dùng để đầu tư phát triển cơ sở vật chất nhà trường, phát triển đội ngũ giảng viên...

Trường phi lợi nhuận sẽ được hưởng các chính sách như trường công: giáo viên được Nhà nước đào tạo, được tham gia các chương trình nghiên cứu khoa học, được Nhà nước đặt hàng đào tạo các ngành thế mạnh, được ưu đãi về thuế suất, được giao đất sạch, miễn giảm tiền sử dụng đất... Các trường ĐH hoàn toàn tự chủ trong việc đăng ký hoạt động theo hướng nào, nhưng phải xem đó là cam kết phải thực hiện. Nếu đúng là hoạt động phi lợi nhuận sẽ được hưởng ưu đãi, còn vì lợi nhuận chắc chắn phải đóng thuế như doanh nghiệp. Trường hợp trường đăng ký hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thực tế lại chỉ chăm chăm phân chia lợi nhuận, sử dụng tiền thuế của dân để hưởng những ưu đãi sẽ bị truy thu các khoản thuế và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục ĐH vừa được công bố lấy ý kiến, giảng viên ĐH được xác định rõ sẽ có năm loại chức danh. Trong khi đó, viên chức hiện chỉ phân chia theo bốn bậc. Sự sắp xếp này có làm thay đổi hệ thống bảng lương hiện tại của giảng viên ĐH không, thưa thứ trưởng?

- Trước đây, lương cho giảng viên ĐH giống như ngạch viên chức gồm có bốn bậc. Song thực hiện theo Luật giáo dục ĐH thì giảng viên có năm loại chức danh: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Vậy phiên ngang lương viên chức ra lương giảng viên như thế nào? Cần có hệ thống thang, bảng lương riêng cho giảng viên ĐH. Điều này cũng phù hợp với chủ trương ưu đãi cho giáo dục, giáo viên của Nhà nước. Theo ý tưởng của ban soạn thảo, lương phó giáo sư sẽ tương đương bậc lương cao nhất của viên chức, còn lương giáo sư sẽ cao hơn một bậc, như chuyên gia cao cấp. Hiện nay, ngay trong hệ thống giáo dục cũng hiếm người được coi là chuyên gia cao cấp - những tổng công trình sư, những người xứng đáng được hưởng mức lương rất cao.


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: Báo Tuổi Trẻ