Nhiều trường nghề đã tăng cường xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp để phục vụ mùa dịch Covid-19 cũng như trong việc hoạt động lâu dài.
Các trường nghề đẩy mạnh hoạt động đào tạo trực tuyến
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2021, do dịch Covid-19, hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh của các trường chủ yếu được thực hiện theo hình thức trực tuyến.
Hầu hết các trường đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các công cụ truyền thông và mạng xã hội vào việc tuyên truyền, tư vấn và làm công tác tuyển sinh như: Lập chuyên trang về tuyển sinh trên các trang mạng xã hội hoặc trên các website của trường để thực hiện công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh online; nhiều trường đã thiết lập công cụ live chat trên website hoặc hệ thống hotline để hỗ trợ tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh; nhiều trường xây dựng các ấn phẩm truyền thông số (sách, cẩm nang, thông tin, tranh ảnh, tài liệu....) về tư vấn, hướng nghiệp, thông tin về trường và hoạt động đào tạo nghề nghiệp để đăng tải trên các chuyên trang tuyển sinh và các phương tiện thông tin đại chúng.
Tại những địa phương không thực hiện giãn cách xã hội, hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc đào tạo vẫn được duy trì bằng hình thức trực tiếp, còn lại hầu hết phải tổ chức đào tạo trực tuyến (trường ở địa phương không có dịch, nhưng người học lại ở địa bàn có dịch cũng không đến được trường).
Các trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo, đa dạng hóa các phương thức tổ chức đào tạo, đẩy mạnh đào tạo trực tuyến đối với các nội dung, môn học, mô-đun phù hợp; khuyến khích giáo viên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế, xây dựng bài giảng điện tử, hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với các nhóm học viên theo khoa/khóa học trên website của trường hoặc các trang mạng xã hội; thường xuyên giữ liên lạc với học viên để cung cấp thông tin, chỉ đạo, hướng dẫn học tập trong điều kiện không học tập trung tại trường.
Cũng do tình hình dịch bệnh, phương pháp dạy học có nhiều thay đổi nên hầu hết giáo viên tại các trường đã thích nghi được các hình thức dạy học trực tuyến qua các ứng dụng như: Zoom Cloud Meeting, Hangouts Meet, Microsoft Team, Skype, Google Classroom...
Theo báo cáo, có trên 60% trường trung cấp, cao đẳng áp dụng một hoặc nhiều hình thức giảng dạy trực tuyến vào các nội dung đào tạo phù hợp trong chương trình.
Đặc biệt, nhiều trường đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp bao gồm việc học tập trực tuyến (e-learning), hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS - Learning Management System), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System) để đáp ứng công tác quản lý của trường, không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh mà cho lâu dài như một xu hướng mới trong tổ chức, quản lý đào tạo. Điển hình như Trường CĐ nghề Việt Xô số 1, CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Hàng hải 1, CĐ Công nghiệp Huế, CĐ nghề Đà Nẵng, CĐ Công Thương miền Trung, CĐ Lý Tự Trọng, CĐ Kỹ nghệ II, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TP.HCM, CĐ Công nghệ quốc tế Lilama 2, CĐ Y tế Đồng Tháp, CĐ Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau,...
Tăng cường xây dựng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến
Tuy nhiên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng nhìn nhận một số khó khăn với các nhà trường.
Phương án dạy học trực tuyến giúp sinh viên, duy trì việc học, đảm bảo thời gian khóa học, tuy nhiên chủ yếu phù hợp với các ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn (kinh tế, kinh doanh, văn hóa, pháp luật...) và các nội dung lý thuyết. Còn các nội dung thực hành, môn học tích hợp đòi hỏi phải tổ chức giảng dạy tại phòng thực hành, nhà xưởng, khó tổ chức thực hiện đào tạo trực tuyến, nhất là đối với các ngành, nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ yêu cầu đến máy móc, công cụ, phôi liệu thực hành, thực tập.
Khó khăn khác đối với các trường là chưa thể đưa học viên đến doanh nghiệp thực tập, kể cả có nơi được đào tạo trực tiếp do không bị giãn cách.
Để thực hiện kế hoạch đào tạo năm 2021, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho rằng các trường cần huy động mọi nguồn lực tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến gồm việc học tập trực tuyến, hệ thống quản lý học tập trực tuyến, hệ thống quản lý nội dung học tập và thực hiện việc số hóa các hoạt động quản lý, đào tạo.
Bên cạnh đó, các trường cũng cần chủ động điều chỉnh kế hoạch đào tạo cho phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo khai thác tối đa thời gian học viên được tập trung học trực tiếp tại trường. Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung tại trường, các trường có thể điều chỉnh kế hoạch để tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến, khi điều kiện cho phép người học quay lại trường chỉ tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng.
Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, các trường xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh,...
> Bộ GD&ĐT: Phát động quyên góp, ủng hộ "Máy tính cho em"
> COVID-19: Khoảng 20% học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến
Theo Vietnamnet