Tin liên quan:

>> Chỉ tiêu nguyện vọng 2 ồ ạt xét tuyển

>> Điểm sàn đại học cao đẳng chính thức

>> Những phân tích về điểm sàn đại học cao đẳng

Nghịch lý điểm sàn

Điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 đã chính thức được công bố. Đây là mức điểm thấp nhất mà các trường có thể áp dụng để xét tuyển thí sinh trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Bắt đầu được áp dụng từ tuyển sinh năm 2004, đến nay điểm sàn đã xuất hiện chín năm. Thế nhưng, vẫn chưa có sự đồng thuận thật sự giữa cơ quan quản lý và những người chấp hành quy định về điểm sàn.

Bộ GD-ĐT mong muốn điểm sàn như một “chốt chặn” để hạn chế tình trạng tuyển thí sinh có điểm thi quá thấp. Nhiều người quan tâm đến giáo dục cũng đồng tình với điểm sàn, mong muốn nó trở thành một trong những công cụ để dần nâng cao chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH, CĐ. Vì thế, không ít chuyên gia từng đề nghị nâng mức điểm sàn các khối lên 15 điểm, nghĩa là bình quân mỗi môn 5 điểm.

Song ở một thái cực khác, cứ sau mỗi lần điểm sàn được công bố, nhiều trường lại lên tiếng chỉ trích điểm sàn, thậm chí đã có đề xuất là bỏ luôn điểm sàn. Riêng đề nghị phải hạ thấp điểm sàn thì được nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần. Lý do chính của những đề nghị hạ điểm sàn, bỏ điểm sàn mà các trường đưa ra không gì khác ngoài việc điểm sàn khiến cho họ không tuyển được nhiều thí sinh vào trường. Thậm chí, có trường còn “thẳng thắn” đề nghị áp dụng một điểm sàn riêng, thấp hơn chút ít cho các trường ngoài công lập để dễ bề tuyển sinh.

Dĩ nhiên, các đề nghị này đều chưa được chấp nhận. Và khi những đề nghị đó chưa được thỏa mãn, rất nhiều trường bắt đầu quay sang các chiến thuật lách điểm sàn. Trong đó, cái điều khoản nới rộng khoảng cách điểm ưu tiên khu vực, đối tượng trong quy chế tuyển sinh từ năm 2011 trở về trước (được quy định trong điều 33) trở thành chiếc “phao” của nhiều trường. Tận dụng tối đa cơ chế xin cho, hàng loạt trường đã xin áp dụng điều 33 để nới khoảng cách điểm ưu tiên mà thực chất là một cách hạ điểm sàn để tuyển sinh. Bởi thực tế, khi được áp dụng điều khoản này, điểm ưu tiên của nhiều thí sinh được nâng lên thành 3-4 điểm, đồng nghĩa với việc điểm sàn giảm đến 3-4 điểm.

Tuyển sinh năm nay, điều khoản đó đã bị bãi bỏ. Những người trong ngành lại râm ran nói về những chiến thuật mới của một số trường. Ở một thực tế khác, người ta cũng đã chứng kiến điểm thi tuyển sinh của rất nhiều thí sinh cao hơn hẳn điểm thi tốt nghiệp THPT, điều mà ít ai ngờ tới. Khi đã có thí sinh đạt điểm cao, các trường sẽ chẳng còn ngán ngại điểm sàn.

Rõ ràng, nghịch lý điểm sàn đã tồn tại dai dẳng. Trong khi xu hướng xã hội muốn siết chất lượng đầu vào, nhiều trường lại không muốn như vậy để tuyển được càng nhiều sinh viên càng tốt. Thêm vào đó, nhu cầu đậu đại học vẫn còn quá lớn, bất kể đó là đại học nào! Khi “cung” và “cầu” gặp nhau, bất cần chất lượng thì những nỗ lực cải thiện chất lượng vô tình trở thành lực cản.

Thậm chí, những lưu ý hay nhắc nhở cũng trở thành những việc làm thiếu thiện chí đối với họ. Chính vì vậy, để giải quyết nghịch lý này chỉ những giải pháp kỹ thuật thôi chưa đủ. Những người cầm trịch hệ thống giáo dục đại học cần có nhiều hơn những biện pháp tổng thể từ quy hoạch, điều hành đến kiểm tra xử lý quyết liệt hơn.

Tin đang được quan tâm:

ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012

ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012

TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

(Theo: Tuoitre)