Các trường ĐH sẽ xét tuyển chung
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết hiện Bộ chuẩn bị đồng thời dự thảo 3 quy chế thi THPT quốc gia, xét tuyển tốt nghiệp và xét tuyển.

Mục đích để tránh ảo và tạo công bằng


Dự thảo của Bộ quy định về việc xét tuyển vào các trường ĐH sẽ như thế nào, thưa ông?

Về nguyên tắc sẽ xét tuyển chung. Các trường sẽ tham gia thế nào trong việc xét tuyển chung đó thì cần phải tìm giải pháp kỹ thuật để xử lý, đó là điều mà Bộ muốn hỏi ý kiến các trường.

Như vậy các trường xét tuyển tập trung?

Xét tuyển chung là cả nước sẽ dùng chung dữ liệu như năm vừa rồi. Năm nay, Bộ sẽ tính toán để làm sao cho các trường sử dụng kết quả chung ấy, mục đích là để tránh ảo.

Năm ngoái, Bộ đã đề xuất nhưng các trường không đồng thuận, năm nay Bộ sẽ thuyết phục bằng cách nào?

Vừa rồi Bộ cũng đã họp với một số trường phía bắc, đưa ra các phương án để các trường thảo luận, về cơ bản đã có được tiếng nói chung. Thực ra tinh thần của Bộ là làm theo phương án nào mà các trường vẫn tự chủ được, không ảnh hưởng gì tới chỉ tiêu của mình mà lại có lợi hơn. Theo đó, nếu trường nào không xét tuyển chung thì sẽ không tuyển sinh được. Như thế họ buộc phải vào. Và những trường sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển sẽ tạo thành một nhóm lớn để cùng xét tuyển chung.

Vậy những nhóm trường xét tuyển chung năm tới có cần nữa không?

Khi đã có một nhóm lớn thì không cần nhóm nhỏ nữa. Năm ngoái vì không làm được nhóm lớn mà đã xảy ra tình trạng ảo và vẫn còn tồn tại bất công trong tuyển sinh. Bộ cũng thấy điều đó. Chẳng hạn như thí sinh không đỗ trường A đợt 1 nên nộp phiếu chứng nhận kết quả vào trường khác.

Nhưng sau đó trường A lại hạ điểm chuẩn. Rõ ràng đó là bất công. Quy chế năm ngoái buộc phải quy định như vậy để tránh lộn xộn. Còn năm nay nếu xét tuyển chung thì sẽ xử lý được vấn đề đấy. Các trường không ảo, thí sinh có được sự công bằng, điểm cao thì đỗ nguyện vọng cao hơn, không có chuyện điểm cao thì trượt mà điểm thấp thì đỗ.

Không giới hạn số nguyện vọng cho thí sinh ?


Như vậy, Bộ sẽ đứng ra tập hợp nhóm lớn hay ủy quyền cho trường hoặc tổ chức nào?

Điều này không quan trọng. Ai làm cũng được thôi. Phần mềm và cơ sở dữ liệu thì Bộ quản lý chung rồi. Còn chạy phần mềm thì Bộ hay giao cho trường nào, tổ chức nào không phải là vấn đề quan trọng.

Nếu thực hiện như Bộ đề xuất thì thí sinh sẽ có được những quyền lợi gì, thưa ông?

Thí sinh không chỉ chọn tối đa 2 - 3 trường trong một đợt tuyển sinh 2017 mà được chọn nhiều hơn. Thí sinh được chọn từ cao xuống thấp, bao nhiêu nguyện vọng cũng được, Bộ chỉ yêu cầu là thí sinh xếp thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới cho các nguyện vọng của mình.

Nếu giải pháp kỹ thuật này nhận được sự đồng thuận thì chắc chắn mỗi thí sinh sẽ trúng vào một nguyện vọng cao nhất trong khả năng có thể có. Ví dụ thí sinh có 10 nguyện vọng, có thể trúng nguyện vọng 1, cũng có thể trúng nguyện vọng 3, hoặc trúng nguyện vọng 7 tùy mức điểm của thí sinh và tùy nguyện vọng thí sinh lựa chọn là trường nào. Mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một trường duy nhất và đó là trường cao nhất trong tương quan mức điểm của thí sinh.

Trường dùng kết quả chung đều phải xét tuyển chung


Vậy các trường công an và quân đội có tham gia nhóm lớn này không?

Trường nào sử dụng kết quả thi THPT quốc gia của Bộ để tuyển sinh cũng đều phải tham gia nhóm lớn. Không thể để giống như năm vừa rồi. Năm tới thí sinh có còn quy định nộp giấy chứng nhận kết quả để xác định là đã nhập học nữa không?

Vẫn phải quy định. Thí sinh vẫn phải nộp giấy chứng nhận kết quả thì trường mới công nhận là đã trúng tuyển, và nộp rồi thì không được rút ra nữa, giống như năm nay. Bởi chắc chắn sẽ có những trường tuyển không đủ đợt 1, phải tuyển các đợt bổ sung. Nếu thí sinh không xác nhận thì làm sao trường biết còn thiếu bao nhiêu để mà tuyển tiếp.

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/cac-truong-dh-se-xet-tuyen-tap-trung-764048.html