Hiện nay nhiều trường đại học đã chú trọng hơn vào đào tạo kỹ thuật phần mềm trong xu thế công nghệ phát triển và những người triển khai ứng dụng di động ở Việt Nam ngày càng tăng.
Sinh viên ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM
Theo GS-TS Lê Hoài Bắc, Trưởng bộ môn khoa học máy tính, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, công nghệ thông tin của trường chủ yếu là hướng về phần mềm. Sinh viên (SV) của trường tốt nghiệp làm về phần mềm rất nhiều. Có thể phát triển phần mềm thành sản phẩm để bán hoặc tải lên các kho ứng dụng toàn cầu. Phân nhánh cụ thể hơn thì có nhiều SV đi chuyên về lập trình ứng dụng di động. Tiêu biểu như Lê Yên Thanh, SV của trường, thực tập tại Google, được mời ở lại làm việc nhưng quyết định về nước, phát triển phần mềm Busmap - bản đồ xe buýt online. Thanh vừa gọi vốn thành công 1,5 triệu USD cho dự án này.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết ở trường, SV “hot” nhất hiện nay là ngành kỹ thuật phần mềm. Ngay từ năm thứ 3, các doanh nghiệp về phần mềm đã đề nghị ký hợp đồng để SV ra trường đến làm việc ngay. Thậm chí, trường mời ở lại làm việc nhưng nhiều SV không mặn mà.
Cũng theo tiến sĩ Nhân, những ngành học thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin luôn phải cập nhật liên tục về chương trình học, nhất là về những xu hướng mới nhất. Xu hướng phát triển phần mềm, cụ thể hơn nữa là lập trình ứng dụng cho web và điện thoại di động là một trong những nội dung được tập trung cập nhật nhiều nhất.
Theo anh Phan Thanh Sang, kỹ sư hệ thống của Trung tâm kỹ thuật, Công ty CP công nghệ Sen Đỏ (Sendo), công việc lập trình phần mềm hiện nay có thể chia thành 2 loại là lập trình mobile và website. Công việc sáng tạo phần mềm như cô gái 29 tuổi nộp thuế ở Hà Nội hơn 23 tỉ đồng từ thu nhập hơn 330 tỉ đồng là viết app mobile.
Cũng theo anh Sang, người làm công việc này đa phần xuất thân từ khối ngành công nghệ thông tin. Tuy nhiên, để làm thành thạo, SV vẫn phải tự cập nhật, học thêm rất nhiều.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, hiện tại, SV của trường chủ yếu làm ở các công ty phần mềm. Vẫn có nhiều SV tự phát triển nhưng số lượng người thành công chưa nhiều. Trong khi đó, GS-TS Lê Hoài Bắc cho biết: “Người ta biết đến nhiều những gương mặt thành công khi tự mình ở nhà lập trình ứng dụng di động. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công ít hơn thất bại rất nhiều”.
Cũng theo anh Sang, nếu làm cho doanh nghiệp, lương của người sáng tạo phần mềm mới ra trường nằm ở mức 6 - 8 triệu đồng/tháng. Sau khi có kinh nghiệm 3 - 4 năm, lương có thể lên đến mức khoảng 15 - 20 triệu đồng. Có kinh nghiệm nhiều hơn, lương có thể lên đến 1.000 - 2.000 USD/tháng. Thậm chí, ở các công ty lớn, mức lương còn cao hơn. Còn những trường hợp cá nhân sáng tạo phần mềm thì thu nhập tùy thuộc vào sự thành công của các phần mềm khi đưa lên cửa hàng ứng dụng. Vì lý do này, con đường đi theo nghề này là con đường của hàng ngàn người thành công nhưng cũng là con đường của hàng trăm ngàn người thất bại.
> Tuyển sinh 2021: ĐH Đà Nẵng giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh
> Các trường đại học khối kinh tế có những điểm mới nào ở tuyển sinh 2021?
Theo Thanh Niên