Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục được kết nối cùng 63 tỉnh thành, nhiều địa phương đề xuất Bộ GD&ĐT lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể một năm, thay vì áp dụng từ năm học 2018 -2019 như kế hoạch.

Thao đại diện tỉnh Nam Định, việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cần được chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tâm lý xã hội. Đại diện này đề nghị Bộ GD&ĐT công bố điều kiện tối thiểu của các địa phương, nếu khó khăn nên lùi lại thời gian thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, thông tin chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được làm bài bản, có lộ trình nhưng các địa phương sẽ gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Cụ thể ở Nghệ An, cơ sở vật chất và giáo viên ở vùng cao còn nhiều hạn chế. Theo đó, người đứng đầu ngành giáo dục Nghệ An đề nghị lùi thời gian áp dụng chương trình mới để đạt hiệu quả tốt hơn.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng cho rằng lộ trình thực hiện năm học 2018-2019 hơi gấp. Việc lùi lại thời gian thực hiện cần thiết để sở GD&ĐT triển khai bồi dưỡng giáo viên.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT Kiên Giang, nói việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai vào năm học tới là phần khung, các phần tiếp theo sẽ được tiếp tục triển khai. Vì vậy việc lùi lại một năm cũng không quan trọng lắm. Việc triển khai chương trình nên thực hiện từng nội dung, không nên triển khai đồng loạt cùng lúc.

Các địa phương kiến nghị đề xuất lùi thời điểm thực hiện chương trình mới - Ảnh 1

Trước ý kiến của một số địa phương về việc xin lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành từ lâu, các địa phương đều đã có thời gian chuẩn bị vì thế cần khẩn trương, tích cực hơn nữa.

Theo Phó thủ tướng, đổi mới là làm một lần để áp dụng cho nhiều năm vì vậy chất lượng là trên hết. Trong quá trình chuẩn bị, nếu thấy chưa đảm bảo về chất lượng, Bộ GD&ĐT có thể đề nghị với Chính phủ, Quốc hội để xin lùi thời điểm thực hiện nhưng quan trọng nhất là phải đưa được tinh thần đổi mới vào ngay từ bây giờ.

“Khi tinh thần đổi mới thấm đến từng giáo viên, họ sẽ có ý thức để tự đổi mới. Một thầy giáo có biết bao thế hệ học trò, vì vậy, nếu thầy giáo tốt sẽ có những thế hệ học sinh tốt và ngược lại”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội - cũng lưu ý vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Theo đó, quan điểm của Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên Nhi đồng là làm sao có chương trình học tốt nhất cho các em.

“Một lần làm là một lần khó. Chúng ta phải chuẩn bị chương trình, phương pháp, thầy cô trọn vẹn, chuẩn bị điều kiện cơ sở cũng là điều rất thử thách. Chúng ta phải làm thật chậm, kỹ càng và trọn vẹn, không thể tiếp tục triển khai, đổi mới và sửa sai”.

Điều khiến ông Bình trăn trở đó là học sinh vùng sâu, xa liệu có đủ điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng chương trình mới không? Các em có học giống như miền xuôi không? Chúng ta không đặt các em thấp hơn học sinh đồng bằng nhưng phải đặt chương trình phù hợp với các em.

Các trường đại học nên tự chủ trong tuyển sinh Theo ông Phan Thanh Bình, kỳ thi THPT quốc gia chủ yếu đánh giá 12 năm học, các trường nên tự chủ tuyển sinh.
Phó thủ tướng: Bộ GD&ĐT cần bàn lại thời gian nghỉ hè
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc khai giảng đã bớt nhiêu khê nhưng thời gian nghỉ hè cần được bàn bạc, xem xét lại mặt nào được và chưa được.