Cả lớp đậu đại học
Một số thành viên của nhóm 6M+ chụp hình lưu niệm trước khi lên đường nhập học - Ảnh: T.TÂN

Đây là lần đầu tiên một lớp học vùng sâu đậu ĐH 100%, nên niềm vui cứ râm ran khắp ngõ xóm.

Sáng 5-9, trong lễ khai giảng năm học mới, thầy Đinh Xuân Quyền - hiệu trưởng nhà trường - đã thừa ủy quyền của Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông trao bằng khen, quà cho bạn Trần Đình Đồng. Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Đồng đạt 27,25 điểm khối B và đã trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM.

Nhóm 6M+

Đồng là con út trong một gia đình có bốn anh chị em đều học ĐH, CĐ dù gia đình chẳng mấy khá giả. “Bố mẹ rất vui vì mấy anh em ai cũng chăm chỉ học hành” - Đồng tự hào. Hai chị của Đồng hiện đã ra trường và đi làm. Anh trai kế Đồng cũng là một bác sĩ tương lai, đang học năm thứ 4.

Trong niềm vui của chàng tân sinh viên hay cười này, Đồng luôn nhắc về nhóm bạn 6M+ của mình. Đồng giải thích ngoài học trên lớp và tham gia các lớp học ôn của thầy cô thì Đồng và những người bạn chơi thân tụ thành một nhóm để cùng nhau học tập. Nhóm 6M (tức sáu “men” - nam sinh) ra đời từ đó. Sau những buổi học lúc nhà bạn này khi nhà bạn kia, cả nhóm ngồi lại học bài, ôn thi để cùng nhau tiến bộ. “Sau đó, nhóm có thêm những thành viên khác, nên thêm cộng (+) là những bạn nữ chung lớp cũng muốn tham gia nhóm để cùng học, cùng ôn thi” - Đồng nói thêm.

Chúng tôi được Đồng dẫn đến nhà bạn Hoàng Xuân Song khi cả gia đình Song đang tổ chức tiệc liên hoan để bạn lên đường nhập học. Song vừa đậu Khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM và cũng là thành viên của nhóm 6M+ tinh nghịch và học giỏi. Chị của Song đang là sinh viên năm 3 ngành Nhật Bản, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Nếu không có gì thay đổi, tháng 10-2015 chị gái của Song sẽ lên đường đi du học ở Nhật.

“Ba mẹ cũng muốn mình học ĐH Bách khoa TP.HCM để tìm cơ hội du học ở Nhật sau này. Nhưng mình đã trót thích nghề bác sĩ. Mình nghĩ cứ học thật giỏi, về quê làm việc một thời gian để có kinh nghiệm, sau đó học lên tiếp hoặc đi du học cũng chưa muộn” - Song tâm sự. Về nhóm 6M+ của mình, Song kể: “Cả nhóm học bài mà đôi khi cãi nhau nảy lửa, có bạn giải không được bài, khóc bỏ về giữa chừng”.

Đó là vào một ngày mưa trước kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, khi cả nhóm đang tổ chức “thi thử” môn hóa học, thời gian làm bài 90 phút. Trong khi một số bạn nam đang làm bài tốt thì có một bạn nữ trong nhóm “bí” một câu, nên định trao đổi với bạn khác. Bị các bạn trêu “không được quay cóp” trong giờ thi, bạn nữ bỗng khóc òa rồi bỏ về giữa mưa.

“Bạn ấy cũng vừa nhập học dưới TP.HCM rồi” - Song tiết lộ. Cũng có lúc cách hiểu, cách giải bài tập khác nhau nên cả nhóm mạnh ai nấy đưa ra lý lẽ để tranh luận kịch liệt, người lớn cứ tưởng nhóm đang... xích mích. Dẫu vẫn tranh cãi chí chóe, nhưng vì cùng chơi, cùng học để cùng tiến bộ nên cả nhóm rất thân thiết với nhau.

Đặc biệt nhất trong nhóm là bạn Ngô Kim Tú (tân sinh viên khoa xét nghiệm Trường ĐH Tây Nguyên, đạt 23,75 điểm khối B) với khuôn mặt khá đẹp trai, ít nói và luôn cười khi các bạn nhắc về những kỷ niệm. Là con út trong gia đình có chín người con (phần lớn đều đi học ĐH, CĐ) nhưng cứ rảnh là Tú ra đồng phụ ba mẹ.

“Ở đây học sinh nào cũng biết làm đồng hết, dân nông thôn không biết làm thì dở lắm” - Tú cười. Cha mẹ già, cả gia đình chỉ có khoảng 2ha cà phê nên việc đi học của các anh chị em Tú cũng chật vật, phần lớn dựa vào vốn vay sinh viên.

Về những dự định của mình, ba chàng trai cùng học y khoa đều hứa sẽ quay về địa phương công tác. “Ở đây người dân ai cũng nghèo, mà bệnh viện thì luôn thiếu bác sĩ nên tụi mình sẽ quay về khi học xong” - Tú quả quyết.

Thuyết phục từng học sinh đến lớp

Thầy Võ Tá Luận - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Du - cho biết hầu hết gia đình của các em trong lớp đều làm nông. Ngoài việc học các em còn phụ giúp gia đình, phụ huynh lại luôn có tư tưởng “cho con nối nghiệp cha mẹ”. Vì vậy nên hầu như năm nào các thầy cô giáo đều phải đến từng nhà vận động cha mẹ cho các em quay lại lớp học.

Thầy Luận kể trong lớp có em Lê Đình Thi gia đình khó khăn nên việc đi học của em gặp nhiều trắc trở. “Trong năm học vừa qua, sau một tuần thấy em không đến lớp, tôi đến nhà thì bố mẹ nói muốn cho em nghỉ, vì học ĐH xong cũng không xin được việc làm, lại thêm tốn kém. Thuyết phục mãi, bố của Thi cũng cho em đến trường và học hết chương trình lớp 12” - thầy Luận chia sẻ.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi, Thi đạt 24,75 điểm và đã trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. “Nhưng nghe đâu gia đình không muốn cho em theo học, vì sợ không xin được việc làm sau này. Hôm trước em nói sẽ gắng đi học nhưng cũng chưa biết sẽ ra sao” - thầy Luận buồn bã.

Thầy Đinh Xuân Quyền chia sẻ trường mới thành lập từ năm 2011 và còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, tỉ lệ đầu vào của trường năm nào cũng thấp, mà tỉ lệ nghỉ học giữa chừng cũng thuộc diện cao.

“Nhiều học sinh đang học thì nghỉ ở nhà làm rẫy với cha mẹ. Thầy cô lại tìm đến từng nhà để động viên các em quay về học tập. Chính những nỗ lực đó mà năm nay, cả lớp 12A1 với 34 học sinh đậu ĐH với số điểm từ 16 đến trên 27 điểm. Đây là điều vô cùng vui mừng của tập thể nhà trường” - thầy Quyền chia sẻ.

Hỗ trợ kinh phí nâng cấp trường

Thầy Đinh Xuân Quyền thông tin: trong Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Đắk Nông ngày 4-9, cô Nguyễn Thị Ái Vi - hiệu phó nhà trường - đã trình bày những khó khăn và thành tích của nhà trường trong những năm vừa qua, kết quả đậu ĐH hằng năm của học sinh. “Sau khi nghe những giãi bày của cô Ái Vi, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến động viên cô và tập thể nhà trường. Đồng thời Phó thủ tướng đã hứa tặng trường 2 tỉ đồng để trường nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất trong thời gian tới” - thầy Quyền nói.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/20150908/ca-lop-dau-dai-hoc/965670.html