>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Bốn trường được tăng học phí vượt trần

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết 4 trường gồm ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế TP HCM sẽ thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2014. Tuy không được hỗ trợ ngân sách nhưng để bù lại, bộ đang xây dựng đề án tăng học phí cho các trường này. Như vậy, 4 trường trên sẽ được quyền tăng học phí mà không bị giới hạn mức trần như các trường khác. Trong trường hợp đến tháng 2-2014, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định giao quyền tự chủ cho 4 trường này thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cấp dự toán kinh phí không thường xuyên cho các trường như năm 2013. Bộ GD-ĐT cũng sẽ xây dựng và ban hành đề án định mức kinh tế - kỹ thuật và tiêu chí, tiêu chuẩn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục TCCN và giáo dục ĐH làm cơ sở cho việc xây dựng cơ chế tính giá dịch vụ và học phí năm 2015.

Bốn trường đại học tăng học phí vượt trần cho phép trong kỳ tuyển sinh

Bốn trường đại học tăng học phí vượt trần cho phép trong kỳ tuyển sinh

Hiệu trưởng trường dự bị đại học phải có trình độ thạc sĩ

Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường dự bị đại học. Bộ quy định tiêu chuẩn hiệu trưởng trường dự bị ĐH như sau: có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy cấp trung học phổ thông hoặc dự bị ĐH; trình độ thạc sĩ trở lên; đã được bồi dưỡng về quản lý giáo dục… Phó hiệu trưởng phải có trình độ đại học trở lên và trường có không quá 2 phó hiệu trưởng. Học sinh được tổ chức thành lớp học theo khối thi. Mỗi lớp học không ít hơn 30 học sinh và không quá 45 người. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.2.2014.

Giáo sư, phó giáo sư phải giao tiếp được bằng tiếng Anh

Bộ GD-ĐT vừa công bố Quyết định quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư. Theo đó, tiêu chuẩn chung của chức danh giáo sư, phó giáo sư là phải có bằng tiến sĩ từ đủ 36 tháng trở lên. Nếu đã có bằng tiến sĩ nhưng chưa đủ 36 tháng tính đến ngày hết hạn nộp hồ sơ thì phải có số công trình khoa học quy đổi gấp hai lần tiêu chuẩn quy định. Đặc biệt, Bộ yêu cầu giáo sư, phó giáo sư phải sử dụng thành thạo một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và giao tiếp bằng tiếng Anh.

Nhiều đề tài khoa học có tính ứng dụng cao

Tại lễ trao giải thưởng “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” do Bộ GD-ĐT chủ trì diễn ra cuối tuần qua, ban tổ chức cho biết năm 2013 có 302 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên tham gia xét giải. Kết quả có 10 giải nhất. Nhiều đề tài đoạt giải có tính ứng dụng cao và có sản phẩm khoa học đã được áp dụng trong thực tế; một số đề tài đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Những sinh viên chịu trách nhiệm chính thực hiện đề tài đoạt giải nhất sẽ được ưu tiên cấp học bổng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Những người tài năng sẽ được hỗ trợ thành lập doanh nghiệp và cấp kinh phí từ quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia để triển khai ứng dụng đề tài khoa học.

Gần 10.000 học sinh bỏ học

Theo thống kê đầu năm học 2013 - 2014, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk có đến 9.792 học sinh bỏ học. Trong đó, tỉnh  có số học sinh bỏ học nhiều nhất là Khánh Hòa (1.606), Lâm Đồng (1.502), Bình Định (1.232)... Học sinh bỏ học chủ yếu ở địa bàn các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số; nguyên nhân do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, học yếu, lưu ban hoặc nhà xa trường... Phần lớn học sinh bỏ học ở cấp THCS và THPT.

Kênh Tuyển Sinh tổng hợp từ: báo Thanh Niên, Báo Người Lao động