Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017. Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào đại học, cao đẳng năm 2016 đã cơ bản khắc phục được những hạn chế của kỳ thi năm 2015 và nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của xã hội.
Cũng theo ông Nhạ, đây là kết quả quan trọng để ngành tiếp tục triển khai phương án thi, tuyển sinh đại học năm 2017 và các năm tiếp theo theo hướng ngày càng nhẹ nhàng, khách quan, minh bạch hơn.
“Việc quy chế thi và quy chế tuyển sinh được công bố sớm hơn mọi năm đã giúp cho các địa phương, các nhà trường có đủ thời gian chuẩn bị; học sinh sẽ chuẩn bị tốt kiến thức, kỹ năng và không gặp trở ngại với phương án thi mới này”- Ông Nhạ cho biết.
Giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, năm 2016, ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn còn những hạn chế, chưa làm được.
Bộ trưởng thừa nhận, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.
Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.
Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt. Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, năm 2017, ngành Giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đối với bậc học mầm non tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng...
Riêng với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cũng theo Bộ trưởng, trong công tác xây dựng thể chế, ngành Giáo dục sẽ chú trọng hơn tới tính thực tiễn của từng chính sách. Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn nữa để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.
Ông Nhạ cho rằng, ngành Giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn.
Hiện nay, ngành cũng đang triển khai tái cơ cấu các trường sư phạm theo hướng giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, ông Nhạ cho rằng, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.
Theo Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/bo-truong-gddt-se-quy-hoach-lai-co-so-giao-duc-dh-1086864.tpo