Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang xác minh cùng cơ quan công an về nghi vấn đề Toán bị rò rỉ trước khi hết giờ làm bài, đồng thời khẳng định đề Văn không bị lộ.
Tại buổi họp báo chiều 8/7, ông Lê Mỹ Phong, Phó cục trưởng Quản lý chất lượng, cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nắm được phản ánh về nghi vấn rò rỉ đề môn Toán.
Nghi vấn xuất phát từ việc có thông tin một thí sinh chụp đề thi Toán, gửi lên một ứng dụng giải bài tập nhờ hỗ trợ vào 15h28 phút hôm qua. Theo quy chế, thí sinh chỉ được cầm đề khỏi phòng thi sau khi hết thời gian làm bài, tức 16h. Hình ảnh đề thi mà thí sinh này chụp lại đã được gấp gọn để che phần tên và số báo danh, đồng thời tài khoản người này sử dụng cũng ẩn danh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xác minh nghi vấn rò rỉ đề Toán
Bộ Giáo dục cho biết đã cùng Bộ Công an vào cuộc xác minh thông tin để xử lý theo quy định hiện hành. "Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông báo ngay", ông Phong nói.
Môn Văn cũng bị đặt nghi vấn lọt, lộ khi nhiều người đoán trúng tác phẩm được hỏi trong đề thi. Ông Phong cho biết Bộ đã chuyển cơ quan công an xác minh, làm rõ, đồng thời khẳng định "đây chỉ là việc dự đoán tên tác phẩm, không phải lộ đề".
Trước việc một cá nhân có thể đoán trúng tác phẩm được hỏi trong đề thi Văn, dù không phải lộ đề, các lãnh đạo Bộ Giáo dục được đặt câu hỏi về việc liệu công tác ra đề có đang đi theo lối mòn, dễ đoán. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, giải thích số lượng cá nhân quá lớn, trong khi số lượng tác phẩm nằm trong chương trình lại rất ít.
Ông Thành cho biết đề Văn tốt nghiệp THPT năm nay có cấu trúc tương tự các năm trước. Ngữ liệu bài đọc hiểu mới hoàn toàn, nhưng các tác phẩm văn học vẫn được lấy từ sách giáo khoa. "Đoán tác phẩm thì dễ, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng phải đoán đúng câu hỏi, đoạn trích của tác phẩm đó mới quan trọng", ông Thành nói.
Năm học 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng với lớp 12. Khi đó, theo ông Thành, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa với hàng loạt tác phẩm khác nhau sẽ giúp Bộ có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng ngữ liệu cho đề thi.
Các lãnh đạo Bộ cho biết từ năm sau, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ có những đổi mới, nhằm tinh gọn và hướng tới mục tiêu chính là xét tốt nghiệp, đồng thời trở thành bước đệm để đổi mới vào năm 2025 khi chương trình phổ thông mới được áp dụng đồng bộ từ lớp 1 đến 12.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đánh giá trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, cần quan tâm để phát hiện và ngăn chặn các mánh khóe, gian lận trong thi cử.
Năm nay, Bộ lần đầu áp dụng quy định yêu cầu các điểm thi phải bố trí một khu vực, cách phòng thi tối thiểu 25 m để bảo quản vật dụng của thí sinh. Theo Bộ, khoảng cách này giúp vô hiệu hóa các thiết bị truyền tín hiệu trung gian, dùng để thực hiện các hành vi gian lận.
"Có thể nói đến thời điểm này, kỳ thi năm nay diễn ra thuận lợi khi dịch bệnh được kiểm soát, thời tiết mát mẻ; đáp ứng được mục tiêu an toàn, chất lượng, nghiêm túc và đúng quy chế", ông Độ nói.
Năm nay, hơn 989.800 thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT, ít hơn khoảng 12.000 so với số lượng đăng ký. Trong đó, hơn 860.000 thí sinh thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển đại học. Số thí sinh F0 là 79, trong đó 18 thí sinh đăng ký dự thi, còn lại được xét đặc cách tốt nghiệp.
Theo kế hoạch, điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 được công bố vào ngày 24/7. Việc xét công nhận thi tốt nghiệp THPT hoàn thành chậm nhất ngày 26/7/2022.
> Đề thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT 2022
> Đề thi môn Hóa học tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2022
Theo VnExpress