- Thưa ông, với số lượng hơn một triệu thí sinh dự thi nóng lòng muốn biết kết quả, chưa kể tới những người thân biết số báo danh của các em cũng truy cập để xem điểm, Bộ có lường trước về số lượng người truy cập khi công bố điểm?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Các giải pháp pháp kỹ thuật Bộ áp dụng để công bố kết quả thi đã được Bộ tính toán rất kỹ. Ngoài cổng công bố điểm thi tại Bộ còn có 8 trường đại học có cơ sở vật chất tốt trên cả nước tham gia công bố điểm thi cho thí sinh theo từng khu vực.
Ví dụ, trường Đại học Cần Thơ phụ trách công bố điểm thi cho thí sinh thuộc 13 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đại học Vinh công bố điểm khu vực miền Trung. Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng…
Thí sinh rất háo hức biết điểm thi nên ngay thời điểm khởi động hệ thống này để công bố điểm thi, thí sinh khắp nơi trên cả nước đồng loạt truy cập dẫn đến lượng truy cập lớn, gây quá tải.
Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra trong khoảng thời gian đầu, sau đó số thí sinh tra cứu giảm dần và phân tán ra cổng tra cứu của các trường. Tới giờ thì tất cả các hệ thống đã chạy tốt, không gây vấn đề lớn cho thí sinh trong quá trình truy cập.
- Ngày hôm qua, 21/7, Bộ vẫn khẳng định thí sinh chỉ tra cứu thông tin qua trang http://thi.moet.gov.vn. Phải đến tận trưa hôm nay, 22/7, chỉ trước thời điểm công bố điểm vài tiếng, Bộ mới công bố việc thí sinh có thể tra cứu thông tin qua cổng thông tin của 8 trường đại học trên cả nước. Tại sao lại có sự thay đổi gấp gáp này và vì sao Bộ không công bố điều này sớm hơn?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngay từ ngày 20/7, khi nhận dữ liệu điểm từ các hội đồng thi về Bộ, Bộ đã thấy có nguy cơ quá tải nếu thí sinh tra cứu cùng lúc, thậm chí không chỉ thí sinh mà còn người nhà, vì hệ thống server của Bộ theo tính toán chỉ đáp ứng được lượng tra cứu cùng lúc khoảng 60.000 người.
Vì thế, Bộ đã tính đến việc phân tán nhỏ dữ liệu ra để thí sinh có thể tra cứu theo từng vùng. Ngày 21/7, Bộ đã lựa chọn và giao nhiệm vụ cho các trường, giao cho các trường thay Bộ quản lý điểm và công bố điểm theo gói nhỏ từng khu vực để giảm tải.
Các trang tra cứu điểm thi tê liệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Tuy nhiên, đường truyền internet của các trường bình thường chỉ để đáp ứng nhu cầu truy cập của sinh viên trong trường và thí sinh dự thi vào trường hàng năm, số lượng không lớn như khi phải công bố điểm thi cho thí sinh cả vùng.
Vì thế, sau khi nhận nhiệm vụ, các trường phải làm việc với đối tác cung cấp internet để mở rộng băng thông. Sau đó, trường phải chuẩn bị kỹ thuật như làm phần mềm, banner, thiết lập địa chỉ rồi mới công bố được.
- Tại sao có tới hơn một triệu thí sinh dự thi và dự định ban đầu của Bộ là sẽ chỉ có một cổng tra cứu thông tin từ Bộ, nhưng Bộ lại chuẩn bị server chỉ đáp ứng khoảng 60.000 người truy cập cùng lúc, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Muốn nâng cao lượng truy cập cùng lúc thì cơ sở hạ tầng phải lớn hơn, nhưng như thế thì tốn kém.
Thực tế có hiện tượng quá tải nhưng chỉ trong thời gian đầu, sau đó lượng thí sinh truy cập giảm dần và hiện thí sinh có thể tra cứu bình thường.
Nếu chuẩn bị một hệ thống quá lớn và chỉ sử dụng trong ít phút sau đó giảm rất nhanh thì rất lãng phí.
- Nhưng rõ ràng đây cũng là một bài học kinh nghiệm trong công tác công bố điểm thi. Liệu Bộ có thay đổi trong các năm sau, nếu Bộ vẫn tổ chức kỳ thi quốc gia như năm nay?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Rõ ràng việc công bố điểm thế nào để không nghẽn và thuận lợi cho thí sinh là vấn đề cần nghiên cứu kỹ.
Năm nay chọn 8 trường đại học nhưng vẫn chưa đủ, vẫn quá tải. Sang năm, chúng ta có thể nhân rộng hơn số trường được công bố điểm thi.
Tuy nhiên, nếu cho tất cả các cụm được công bố điểm thi là rất khó vì nhiều nơi hệ thống mạng internet không được tốt.