Không chỉ có 10 đơn vị được tổ chức thi, cấp chứng chỉ

Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, có 10 đơn vị đủ năng lực tham gia thực hiện nhiệm vụ rà soát năng lực giáo viên ngoại ngữ tiếng Anh, bao gồm: (1) Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, (2) Trường Đại học Hà Nội, (3) Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, (4) Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, (5) Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, (6) Đại học Thái Nguyên, (7) Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, (8) Trường Đại học Vinh (9) Trường Đại học Cần Thơ, (10) Trung tâm SEAMEO RETRAC.

Các đơn vị này được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tham gia rà soát năng lực giáo viên ngoại ngữ tiếng Anh nhằm đánh giá thực lực đội ngũ giáo viên tiếng Anh của các địa phương để có kế hoạch đào tạo, tập huấn giáo viên đạt chuẩn vào năm 2012 và những năm sau theo các nhiệm vụ của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Ngoài các đơn vị này, các địa phương có thể lựa chọn những tổ chức khảo thí quốc tế có uy tín khác để rà soát năng lực cho giáo viên của mình.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT khẳng định, sau khi ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được ban hành (tháng 01/2014) cùng với các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh được công bố, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có văn bản nào quy định chỉ có những đơn vị trên mới được tổ chức đánh giá và cấp chứng nhận theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Bộ Giáo dục nói gì về việc loạn cấp chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu?(ảnh minh họa)

Các cơ sở đào tạo và khảo thí ngoại ngữ trên cả nước đều được sử dụng các định dạng đề thi theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam trong việc tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ và cấp chứng nhận cho các đối tượng có nhu cầu theo các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, theo ông Trinh, 10 đơn vị này cũng là những đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, ôn luyện và tổ chức các kỳ thi tiếng Anh nên cũng là những đơn vị đã tiến hành nhiều đợt đánh giá và cấp chứng nhận cho các cá nhân có nhu cầu.

Mặc dù vậy, thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT đã nhận và xử lý nhiều thông tin liên quan đến việc tổ chức thi và cấp chứng nhận của các đơn vị này.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã yêu cầu các đơn vị báo cáo để chấn chỉnh những mặt còn bất cập, đồng thời tổ chức các đợt giám sát, kiểm tra, thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Qua đó đã phát hiện ra những vi phạm, những mặt còn hạn chế và đã kiến nghị, đề xuất các giải pháp để khắc phục” – ông Trinh nói.

Việc chấp nhận chứng chỉ nào là do địa phương quyết định

Ông Mai Văn Trinh cũng khẳng định, Bộ GD-ĐT nhận thấy thực tế mà dư luận phản ánh về chất lượng của các chứng nhận năng lực ngoại ngữ, cũng như những bất cập trong quá trình triển khai hoạt động khảo thí ngoại ngữ trong bối cảnh điều kiện nhân lực, cơ sở vật chất còn có những khó khăn và chênh lệch giữa các địa phương, các vùng miền của cả nước.

Trong khi quy chế thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đang chuẩn bị ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định bắt buộc phải sử dụng một loại chứng chỉ, chứng nhận tiếng Anh cụ thể nào; việc quyết định sử dụng các chứng nhận tiếng Anh là do đơn vị tuyển dụng, sử dụng người lao động quyết định.

Do đó, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các địa phương như sau: “Việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Giám đốc sở giáo dục và đào tạo (nếu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc”.

Sẽ đổi mới hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia

Theo ông Mai Văn Trinh, để giải quyết một cách căn bản những vấn đề còn tồn tại trong việc đánh giá năng lực ngoại ngữ như thời gian qua, tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung vào việc đổi mới hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản liên quan đến khảo thí ngoại ngữ, đã ban hành quy định về chương trình bồi dưỡng cán bộ ra đề thi, cán bộ chấm thi nói, chấm thi viết theo các định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Trên cơ sở đánh giá toàn diện những mặt làm được và những tồn tại trong công tác khảo thí ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án đổi mới hệ thống đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia, xây dựng quy chế tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Bộ GD cũng đang xây dựng Đề án thành lập Trung tâm khảo thí ngoại ngữ quốc gia đạt các chuẩn mực quốc tế theo hướng xây dựng hệ thống kiểm tra, đánh giá ngoại ngữ của Việt Nam tiệm cận với quốc tế, dựa vào nguồn lực chuyên môn trong nước, có sự phối hợp với các chuyên gia, tổ chức quốc tế; đảm bảo việc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân được thống nhất, chuyên nghiệp, công bằng, khách quan và minh bạch.

Trước đó, VietNamNet có phản ánh hiện tượng tiêu cực trong việc nhiều đơn vị tổ chức ôn tập và thi cấp chứng chỉ tiếng Anh chuẩn châu Âu, nhiều nơi còn xuất hiện hiện tượng bao đỗ 100% cho học viên.


Theo Vietnamnet, nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/334174/bo-giao-duc-noi-gi-ve-viec-loan-cap-chung-chi-tieng-anh-chuan-chau-au.html