Tại kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ xem xét và biểu quyết thông qua nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông (đề án đổi mới). Với số tiền dự chi từ ngân sách nhà nước khoảng 800 tỷ đồng.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Ban thường trực đổi mới chương trình, sách giáo khoa (Bộ GD&ĐT) cho biết, việc chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” là đúng.
Nếu áp dụng trong điều kiện Việt Nam sẽ tránh được độc quyền trên nhiều bình diện: kinh doanh, phát hành, in ấn, biên soạn…Nhiều bộ sách giáo khoa sẽ tạo ra được sự cạnh tranh, huy động được trí tuệ của nhiều tầng lớp xã hội, từ sự cạnh tranh này sẽ buộc người biên soạn làm việc có trách nhiệm hơn.
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang thu hút sự quan tâm của xã hội. |
“Một chương trình, nhiều sách giáo khoa” sẽ tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều phương pháp suy nghĩ, nhiều con đường đi đến chân lý. Còn tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, đối tượng chủ yếu là giáo viên và học sinh.
Trong tờ trình của Chính phủ gửi lên Quốc hội xin ý kiến để ban hành Nghị quyết có một điểm mới mang tính chất quan trọng: “Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (in và điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc”.
Với chủ trương này, Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT chỉ ban hành các quy định về cấu trúc và tiêu chí đánh giá sách giáo khoa, thành lập Hội đồng thẩm định, ban hành quyết định công nhận các bộ, cuốn sách giáo khoa được phép lưu hành trựa trên kết quả thậm định.
Tuy nhiên, xung quanh nội dung này vẫn còn nhiều băn khoăn rằng, Bộ GD&ĐT có nên tổ chức biên soạn sách giáo khoa hay không hay Bộ chỉ tổ chức thẩm định chọn lấy một bộ sách tốt, còn lại việc biên soạn nên để cho các tổ chức, cá nhân?
Qua trao đổi, GS. Vũ Quang – Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người có nhiều năm viết sách giáo khoa Vật lý từ cấp THCS đến THPT thì cho rằng, Bộ GD&ĐT không nên quản lý đến từng câu chữ sách giáo khoa, nếu bộ làm việc đó cũng chẳng khác gì thời bao cấp Nhà nước phải lo cho từng người từ hạt muối đến bát gạo. Bộ chỉ nên quản lý chương trình, bộ phải xây dựng một chương trình thật tốt và phải thông qua thi cử.
Về chương trình đổi mới sách sắp tới, GS. Vũ Quang cũng nhận định rằng đây là một chương trình “lạc hậu” so với thế giới. Bởi theo GS. Quang, ở thế giới chương trình phổ thông có 3 mạng: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội và Khoa học kinh tế, nhưng ở ta chương trình đã bỏ qua Khoa học kinh tế.
“Một số tiết Kinh tế gia đình trong môn Khoa học công nghệ như hiện nay thì không gọi là Khoa học kinh tế. Tôi có thắc mắc thì được giải thích rằng, đưa Khoa học kinh tế vào thì ai viết, viết ra ai dạy? Nếu cứ tình trạng này thì đến bao giờ Bộ mới đưa được khoa học kinh tế vào phổ thông, do đó phải làm” GS. Vũ Quang đề nghị.
Bàn về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, GS. Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đưa ra một số đề nghị tới Bộ GD&ĐT rằng, ngay từ đầu cần có một chương trình khung về giáo dục và được sự đồng thuận của Hội đồng khoa học do Nhà nước thành lập, không được dùng chương trình hiện hành vì đang có nhiều vấn đề gây tranh cãi.
Bộ GD&ĐT cần tổ chức đánh giá toàn diện các bộ sách giáo khoa đang dùng hiện nay, chỉ ra những ưu điểm cần phát huy và những khiếm khuyết đó nhằm tránh cho những bộ sách giáo khoa mới không đi vào vết xe của sách giáo khoa hiện nay.
Cũng theo đề nghị của GS. Phạm Tất Dong, cần chọn những tổ chức có năng lực biên soạn để xây dựng đề cương viết sách, chứ không chọn từng cá nhân viết từng cuốn sách để đảm bảo tính thống nhất và nhất quán về học thuật, về quan điểm giáo dục, về cách tiếp cận. “Cần hết sức tránh đưa ra bộ sách giáo khoa được viết theo những quan điểm khác nhau, tham khảo tài liệu của các nước khác nhau, điều đó dễ trở thành một bộ sách “hẩu lốn” GS. Dong bày tỏ.
Theo quan điểm của GS. Phạm Tất Dong, để làm chặt chẽ chủ trương “Một chương trình, nhiều sách giáo khoa”,thì không nên một lúc có quá nhiều đề án viết các bộ sách giáo khoa. Thời gian đầu mỗi bộ sách giáo khoa cho Tiểu học, THCS, THPT không nên để hàng chục tổ chức đứng ra đăng ký làm đề án viết sách.
Bộ sách giáo khoa viết xong phải được mang ra dạy thử trọn bộ trong năm học sau khi được thẩm định của Hội đồng viết sách quốc gia. Không nên chỉ dạy thử nghiệm dạy một số tiết đối với mỗi sách giáo khoa của từng bộ sách. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin tiếp về Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa” phổ thông trong kỳ họp của Quốc hội.
Video được xem nhiều trong ngày: Chương trình tiếng anh cho người mất căn bản:
Theo tác giả Xuân Trung, báo giáo dục Việt Nam, tin gốc: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-Giao-duc-khong-phai-quan-ly-tung-chu-trong-sach-giao-khoa-post152146.gd