Không có sự phân biệt giữa trường công lập hay ngoài công lập

Trước việc lãnh đạo nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) “dọa” đóng cửa trường vì điểm sàn, phóng viên Báo Hải quan đã trao đổi với ông Bùi Văn Ga- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT về vấn đề này.

Nhiều ĐH-CĐ ngoài công lập (NCL) phản ánh chính sách tuyển sinh mà Bộ GD-ĐT đưa ra đang có sự không công bằng đối với các trường NCL, xin ông cho biết quan điểm của Bộ về vấn đề này?

Quy chế tuyển sinh mà Bộ đang áp dụng là phương án “ba chung”, quy định mức điểm sàn áp dụng cho tất cả các trường. Do vậy, chính sách về tuyển sinh, đào tạo, Bộ GD-ĐT không có sự phân biệt giữa trường công lập hay NCL.

Cũng có ý kiến cho rằng các trường ĐH-CĐ công lập hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội thì điểm đầu vào cũng phải cao hơn hẳn (khoảng 20 đến 22 điểm). Số còn lại sẽ chuyển qua học nghề hoặc ĐH-CĐ NCL. Xin ông cho biết quan điểm về đề xuất này?

Đây là điểm mà Bộ cũng đang xem xét. Tuy nhiên, khi hệ thống phân tầng ĐH chưa có, cũng như chưa có quy định điểm đầu vào trường này phải cao hơn trường khác. Vậy nên nếu tiến hành theo phương án này, rất nhiều bậc phụ huynh sẽ “băn khoăn” khi quyết định đến chuyện cho con em mình học các trường NCL vì họ quan niệm rằng nếu đầu vào thấp, tương ứng với chất lượng giáo dục không cao.

Do vậy, trong năm 2013, Luật GD Đại học đi vào thực tiễn, sẽ có quy định rõ về việc phân tầng ĐH cũng như việc đánh giá, xếp hạng các trường. Khi ấy, sẽ có những quy định cụ thể, các trường muốn được đánh giá cao thì đầu vào của sinh viên phải cao hơn điểm sàn (mức cao hơn bao nhiêu Bộ cùng các trường sẽ bàn bạc và quyết định).

 

truong ngoai cong lap, truong dan lap, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, hai quan

Thí sinh thi đại học, cao đẳng 202

Trong một Hội nghị gần đây, lãnh đạo một số ĐH-CĐ NCL đã họp bàn về vấn đề tuyển sinh và có kiến nghị Bộ GD-ĐT giúp cho các trường NCL tránh khỏi nguy cơ phải đóng ngành, thậm chí đóng cửa trường. Bộ có biện pháp gì giúp đỡ các trường cũng như định hướng phát triển như thế nào cho khối ĐH-CĐ NCL không, thưa ông?

Xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của nước ta. Trong những năm qua, hệ thống các trường NCL cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong các văn bản tới đây, Bộ sẽ đưa ra các tiêu chí cụ thể để phân biệt trường nào vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Trường nào đạt các tiêu chí cụ thể đối với trường không vì lợi nhuận, thì cơ chế Nhà nước sẽ hỗ trợ họ tương tự các trường công lập, chẳng hạn như: Được hưởng ngân sách Nhà nước về đào tạo. Đối với ngành nghề mà trường có thể mạnh, sẽ được tham gia đấu thầu các đề tài khoa học cũng như ưu đãi về thuế, đất đai, giảng viên, đầu tư phòng nghiên cứu trọng điểm… Như vậy các trường sẽ yên tâm phát triển lâu dài.

Ngược lại, các trường vì lợi nhuận sẽ phải chịu mức thuế và những chính sách quản lý nhất định. Từ đó mỗi cơ sở sẽ tự lựa chọn hướng đi lâu dài phù hợp cho riêng mình.

Tuy nhiên cũng phải thẳng thẳn thừa nhận rằng, không phải trường NCL nào cũng gặp khó trong tuyển sinh, ví dụ như Trường ĐH Dân lập Thăng Long,  ĐH Kỹ thuật công nghệ (TP. Hồ Chí Minh). Những trường này có chiến lược phát triển ngành nghề phù hợp, không chỉ tập trung vào những ngành như quản trị kinh doanh, tài chính-ngân hàng… Do vậy sinh viên ra trường dễ tìm được việc ngay.

Ngược lại, một số trường do chưa tạo dựng tên tuổi vì chỉ bó hẹp trong đào tạo các ngành kinh tế, quản lý, tài chính, ngân hàng khi nhu cầu xã hội bão hòa sẽ lập tức gặp khó. Vì vậy, yêu cầu là mỗi trường phải có chiến lược phát triển ngành nghề, tạo dựng uy tín qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, các hoạt động nghề nghiệp.

Phía Bộ GD-ĐT luôn tạo điều kiện giúp đỡ các trường hết sức, nhưng không có nghĩa là phải hy sinh chất lượng. Có thể trường đưa ra các phương án khác nhau nhằm thuận tiện cho hoạt động đào tạo nhưng chất lượng nguồn nhân lực phải đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận vừa chính thức khẳng định trong năm 2013 sẽ tạm dừng mở mới các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, các trường ĐH-CĐ NCL cho rằng chỉ nên làm với các trường công lập. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

Hiện chỉ tiêu giao cho các trường chỉ quy định tổng thể. Việc chọn bao nhiêu sinh viên cho ngành gì các trường tự quy định, Bộ không can thiệp sâu. Tuy nhiên, về quản lý Nhà nước, Bộ có trách nhiệm thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực. Trong quy hoạch, Bộ nêu rõ nguồn nhân lực cần cho từng ngành, từng năm. Đây là căn cứ để các trường ĐH và các cơ quan quản lý Nhà nước dựa vào đó xây dựng chiến lược phát triển, điều hành để ngành này không quá thừa, ngành khác không quá thiếu.

Liên quan đến đào tạo liên thông, liệu Thông tư số 55 mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành có thể chấn chỉnh được những bất cập đang tồn tại không, thưa ông?

Tôi cho rằng, tất cả bất cập trước đây sẽ được xử lý trong Thông tư mới này. Phải trả lại đúng mục đích của việc dạy và học liên thông, tạo điều kiện cho người có bằng cấp thấp muốn học lên cao, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người học.

Những nội dung của Thông tư sẽ siết chặt cả đầu vào lẫn đầu ra của hệ đào tạo này. Cụ thể: Chỉ những trường đào tạo liên thông chính quy, đào tạo tín chỉ mới được thực hiện đào tạo liên thông; những trường đào tạo niên chế không được thực hiện liên thông. Sở dĩ như vậy là vì trước đây không có quy định như vậy nên các trường cứ “ào ạt” liên thông lên CĐ, ĐH.

Xin cảm ơn ông!

 

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

 

Kênh Tuyển Sinh

Theo: Báo Hải Quan