Bộ Giáo dục điều tra hacker làm lọt đề Ngoại ngữ lên mạng
Bộ Giáo dục đang phối hợp với Bộ Công an điều tra tài khoản facebook đã đăng tải đề môn tiếng Anh lên mạng khi thí sinh đang làm bài thi môn này hôm 1/7. Trong buổi họp báo sau môn thi cuối, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh cùng trả lời những câu hỏi của báo chí xung quanh kỳ thi THPT quốc gia.
- Những ngày qua rộ lên thông tin đề thi Ngoại ngữ bị lộ. Khi thí sinh đang làm bài trong phòng thì đề được đăng trên facebook. Thực hư việc này như thế nào thưa ông?
- Đúng là trên facebook có thông tin đề thi Ngoại ngữ bị lộ. Bộ Giáo dục đã phối hợp với Bộ Công an tiến hành điều tra. Kết quả ban đầu cho thấy, đây là tài khoản facebook thành lập từ năm 2013, bị hacker chiếm quyền kiểm soát. Từ khi thành lập đến nay chỉ 4 lần đưa nội dung lên trang cá nhân và lần gần nhất là 7/1/2015. Lực lượng chức năng đang tiếp tục quá trình điều tra. Trên mạng cũng đưa lên một đề thi và nói rằng đó là đề thi Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên điều đó không đúng. Có thể thấy rằng, hiện công nghệ thông tin đang bị lạm dụng. Chúng ta cũng cần hiểu rõ "lộ đề" là đề thi được biết trước thời điểm bóc đề, còn sau thời điểm bóc đề mà bên ngoài biết thì gọi là "lọt đề" - nguyên nhân là do thí sinh vi phạm quy chế, tuồn đề ra bên ngoài.
- Theo đánh giá của một số giáo viên, đề thi khó đối với học sinh chỉ tốt nghiệp và dễ với những em thi đại học. Như vậy điểm khá sẽ nhiều, điều này gây khó khăn như thế nào đến việc tuyển sinh của trường top giữa?
- Đề thi năm nay không thể so sánh với đề tốt nghiệp, đại học năm 2014 vì mục đích khác nhau, hệ quy chiếu khác nhau. Đề thi được ra với mục tiêu kép nên phải có phần cơ bản để tốt nghiệp và phần khó để phân loại. Xã hội cũng ghi nhận đề có những câu hỏi khó chỉ học sinh giỏi mới làm được, đó là những câu lựa chọn thí sinh vào đại học. Với hình thức tuyển sinh hiện nay, giữa các trường đại học sẽ có sự cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, uy tín. Năm nay tuyển sinh có đổi mới căn bản là chỉ đăng ký nguyện vọng sau khi biết kết quả thi. Mỗi học sinh có bốn giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển nguyện vọng. Và cứ 3 ngày một lần các trường công bố điểm xét tuyển theo trình tự từ cao xuống thấp. Các cháu có thể căn cứ vào đó để điều chỉnh. Các trường sẽ vất vả nhưng học sinh thì được lợi.
- Quá trình diễn ra kỳ thi, số lượng thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật ở cụm do đại học chủ trì nhiều hơn cụm địa phương. Nhiều người cho rằng nguyên nhân là do địa phương coi thi dễ dãi hơn. Ý kiến của Bộ thế nào?
- Cả hai loại cụm thi đều thực hiện một quy chế, hơn nữa tất cả cụm thi đều có sự tham gia của các trường đại học và có sự kiểm tra, thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ không coi trọng việc phân tích, so sánh 2 loại cụm thi này mà tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Tuy nhiên, có thể thấy các cháu đi thi để vào đại học áp lực sẽ cao hơn những cháu chỉ thi để xét tốt nghiệp, do đó ý định vi phạm quy chế sẽ cao hơn. Nhưng quy trình xử lý vi phạm quy chế ở hai loại cụm là như nhau.
- Có những phòng thi chỉ một thí sinh nhưng vẫn phải duy trì đội ngũ cán bộ coi thi đông đảo. Như vậy có đảm bảo tiết kiệm như kỳ thi đã đặt ra?
- Điều này xuất phát từ việc thi tự chọn. Vì tự chọn nên các môn phân bố không đồng đều. Tuy nhiên để tạo điều kiện cho thí sinh không phải di chuyển nhiều, các điểm thi vẫn duy trì phòng thi như những môn khác.
- Có thí sinh quên lịch nên đã không đến điểm thi làm bài. Bộ giao quyền tự quyết cho các điểm thi, vậy quyền tự quyết này được thực hiện đến đâu?
- Việc để những học sinh dự thi tốt nghiệp quên lịch được đăng ký thi lại là việc làm mang tính nhân văn. Quan điểm của Bộ là tạo điều kiện cho các cháu, nhưng chỉ là những cháu thi để xét tốt nghiệp. Những cháu thi để xét vào đại học thì vẫn phải thi lại mùa sau.
- Kỳ thi diễn ra vào đúng đợt nắng nóng đỉnh điểm, lại có ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục tổ chức thi THPT quốc gia vào tháng 7 là để tránh kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 6. Vậy đâu là nguyên nhân thưa ông?
- Khi tổ chức thi vào đầu tháng 7 đã có nhiều việc ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như nắng nóng. Sau kỳ thi này bộ sẽ cùng các địa phương và trường bàn tính, rút kinh nghiệm. Trước đó, Bộ định tổ chức vào 15/6, nhưng lúc này các trường đại học chưa kết thúc năm học, sinh viên chưa thi, ký túc xá và giảng đường chưa giải toả được. Thời gian dự kiến lùi đến cuối tháng 6 thì học sinh THPT lại nêu ý kiến các cháu bị hụt mất 2 tuần ôn thi so với mọi năm. Vì vậy chúng tôi mới quyết định tổ chức vào đầu tháng 7. Như vậy thời gian tổ chức kỳ thi hoàn toàn không bị ràng buộc vào kỳ họp Quốc hội. Chúng tôi làm việc này cũng được sự ủng hộ của Quốc hội.
- Đây có phải kỳ thi tiến tới bỏ thi tốt nghiệp hay không?
- Thi cử, kiểm tra đánh giá được thực hiện đồng bộ với đổi mới nội dung hình thức dạy học nhằm giảm tải, tăng tính chủ động của học sinh, khắc phục tiêu cực trong thi cử. Như vậy kỳ thi này sẽ tạo tiền đề để chúng ta tiếp tục đổi mới. Đây là thay đổi lớn, căn bản từ đó có những điều chỉnh phù hợp hơn. Một kỳ thi lớn mà chúng ta làm được vậy thì những đổi mới nhỏ khác sẽ làm được.
- Công tác chấm điểm thi tốt nghiệp được thực hiện như thế nào?
- Việc chấm thi được bàn bạc từ trước khi có quyết định đặt cụm thi ở đâu. Bộ đã cùng các trường tính toán kỹ dựa trên quy mô thí sinh, số lượng giáo viên có thể chấm thi. Đó là lý do để Bộ chọn các địa phương đặt cụm thi. Ngay sau buổi thi cuối, các trường đã tính toán phương án chấm thi.
Hoàn tất chấm thi trước 20/7
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định việc chấm thi sẽ được hoàn thành trước 20/7. Chiều 4/7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục – Đào tạo) cho biết, công tác chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2015 phải được hoàn thành đúng quy định, hạn chót nộp điểm thi lên Bộ là 20/7. Nhiều ý kiến băn khoăn về thời gian chấm thi quá ngắn, khối lượng công lại lớn hơn nhiều so với mọi năm. Tuy vậy, ông Trinh cho rằng việc chấm thi đã được tính toán kỹ lưỡng. “Trước khi có quyết định đặt cụm thi, chúng tôi đã cùng các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tính đến chuyện này. Con số giảng viên có thể tham gia coi thi, chấm thi cũng là một tham số để quyết định đặt cụm thi ở đâu. Về phía các trường, công tác chấm thi đã được tiến hành chủ động”, ông Trinh thông tin.
Ngoài ra, một số trường cho biết đã tiến hành làm phách và ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, tiến hành công tác chấm thi để đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi cho biết nhà trường đã tiến hành làm phách ngay sau buổi thi đầu tiên. Hiện tại, nhà trường đã tiến hành công việc chấm thi để đảm bảo hoàn thành trước 20/7. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến băn khoăn sau khi có điểm thi, nhiều trường đại học, cao đẳng sẽ khó tuyển sinh. Tuy vậy, ông Mai Văn Trinh cho rằng công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng được vận hành theo hướng có sự cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu của nhà trường. “Chúng ta đang đi vào thực hiện tự chủ, phân tầng đại học trên cơ sở chất lượng. Các thí sinh năm nay sẽ căn cứ vào kết quả điểm thi để nộp hồ sơ xét tuyển vào trường phù hợp”, ông Trinh thông tin.
Ngoài ra, trong tuyển sinh năm nay cũng có đổi mới căn bản. Nếu năm 2014, thí sinh đăng ký trước khi biết điểm, sự may rủi sẽ cao. Còn năm nay, trong 20 ngày xét tuyển, cứ 3 ngày, các trường lại công bố danh sách quá trình xét tuyển; thí sinh dựa trên số liệu công bố này để căn chỉnh khả năng đỗ hay không để xem xét có thể chuyển sang đăng ký xét tuyển trường khác phù hợp. “Công việc này sẽ khiến các trường vất vả hơn, phức tạp hơn, nhưng người được hưởng lợi là thí sinh. Hy vọng, với những đổi mới đồng bộ như vậy, việc tuyển sinh sẽ đi vào nề nếp”, ông Trinh nói