Theo đại diện Bộ GD-ĐT, việc mở ngành nói chung của các cơ sở đào tạo là nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực của khối ngành quan trọng này trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, của đất nước.
Sinh viên một trường đào tạo khối ngành sức khỏe
NGỌC DƯƠNG
Do vậy, việc các trường mở các ngành và tổ chức đào tạo là nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cấp thiết cho thị trường lao động. Các loại hình cơ sở giáo dục ĐH bình đẳng trước pháp luật, nên bất kỳ cơ sở nào nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đều được quyền bình đẳng trong việc mở các chương trình đào tạo mới để tổ chức đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho các thành phần kinh tế khác nhau nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Để mở ngành đào tạo mới, điều kiện tiên quyết là các trường ĐH phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo đảm chất lượng. Hằng năm Bộ GD-ĐT cũng thường xuyên tiến hành thanh kiểm tra đột xuất và định kỳ về đào tạo, tuyển sinh, đảm bảo chất lượng và điều kiện duy trì ngành đào tạo.
Với những ngành không đảm bảo điều kiện chất lượng, duy trì sẽ được thông báo để rà soát, bổ sung. Quá thời hạn, cơ sở đào tạo sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết riêng với khối ngành sức khỏe, ngoài các điều kiện mở ngành đã quy định trong thông tư trên, các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo khối ngành sức khỏe phải tuân thủ các quy định chương trình, kế hoạch, hợp đồng đào tạo thực hành; yêu cầu trong tổ chức đào tạo thực hành theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 5.10.2017. Theo đó, tất cả các hồ sơ đăng ký mở chương trình đào tạo mới của các cơ sở giáo dục ĐH đối với khối ngành sức khỏe phải có ý kiến của Bộ Y tế xác nhận về các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 111/2017/NĐ-CP. Bên cạnh đó, khối ngành sức khỏe là một khối ngành đào tạo đặc thù, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục ĐH năm 2018 đã quy định Bộ GD-ĐT quản lý và cấp phép mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe và xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho khối ngành sức khỏe có sự tham gia của Bộ Y tế. Với tất cả các hồ sơ mở ngành đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe, bên cạnh việc thẩm định các điều kiện cho phép mở ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế theo quy định, các cơ sở giáo dục ĐH phải công khai hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của trường để các bên liên quan và toàn xã hội cùng giám sát.
> Đại học Hoa Sen dự kiến mở ngành sức khỏe trong năm 2021
> Đại học Văn Lang dự kiến mở ngành mới thuộc khối sức khỏe
Theo Thanh Niên