>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Học kết hợp - phương pháp học kỷ nguyên số

Học kết hợp làm được một việc mà lâu nay các nhà sư phạm vẫn hô hào nhưng không dễ thực hiện: biến học trò thành trung tâm và giáo viên cùng với các phần mềm tự học là những nhân tố hỗ trợ cho nhu cầu học tập của học trò.

Phương pháp “lai” thời kỷ nguyên số

Học viện Clayton Christensen (California, Mỹ) vừa khép lại một khoá trực tuyến 6 tuần trên www.coursera.org về phương pháp dạy và học mới nhất hiện nay là Blended learning - Học kết hợp. Phương pháp này đang dần trở thành một xu thế tất yếu của thế giới, đáp ứng tốc độ phát triển xã hội của thời đại số hoá và giúp thu nhỏ khoảng cách tri thức giữa các nước giàu và nước nghèo, giữa thành thị và nông thôn, giữa những học sinh thuộc gia đình “có điều kiện” và không có điều kiện. Đây là phương pháp “lai” giữa cách dạy và học truyền thống thày và trò “mặt đối mặt”với việc học sinh tự học trên máy tính.

Trong môi trường một thầy với nhiều, hay rất nhiều trò, nơi thầy giảng và trò ghi, nơi thầy nói và trò nghe như từ xưa tới nay, thầy luôn là trung tâm và trò chỉ biết làm theo mọi chỉ dẫn của thầy. Dựa trên phương pháp luận mới, học kết hợp làm được một việc mà lâu nay các nhà sư phạm vẫn hô hào nhưng không dễ thực hiện: biến học trò thành trung tâm và giáo viên cùng với các phần mềm tự học là những nhân tố hỗ trợ cho nhu cầu học tập tự thân của mỗi học trò.

phương pháp, kỷ nguyên số, cơ hội, Clayton Christensen
 

Net Languages - trường học trực tuyến do các thành viên International House sáng lập đã thiết kế giáo trình dạy tiếng Anh dành riêng cho Học kết hợp. Bên cạnh các khoá giúp phát triển đầy đủ các kỹ năng cá nhân nghe, phát âm, đọc, viết…, Net Languages còn có sẵn giáo án cho giáo viên. Như vậy, sau khi tự học với máy tính nối mạng tại nhà, ở trên lớp, học viên không thụ động chép lại bài giảng mà thực hành độc lập hay theo nhóm dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Phần tự học tại nhà của học viên sẽ giúp tăng tính tự giác, học cách tự tổ chức thời gian, tự theo dõi quá trình tiến bộ theo tốc độ riêng, không phụ thuộc vào các học viên khác trong lớp. (Tham khảo thêm tại: http://www.edusoft.com.vn hoặc http://www.netlanguages.com/info/english/index.php)

Vai trò giáo viên: Không là linh hồn, vẫn là trụ cột

Dù nhiều ưu điểm như vậy, nhưng Học kết hợp với một số giáo viên lại là gánh nặng tâm lý. Họ lo lắng công nghệ thông tin sẽ tước mất vị trí làm thầy của mình. “Có máy tính rồi, liệu học viên còn cần chúng tôi làm gì?”

Blended learning: Phương pháp học thời đại kỷ nguyên số
 

Thế nhưng, cô Heather Wolpert-Gawron dạy trung học tại California lại chia sẻ rằng với các công cụ số hoá, giáo viên chính là người “đóng vai trò chủ động trong việc bảo đảm tính nghiêm túc và chất lượng của việc học trực tuyến”.

Những nghiên cứu của các chuyên gia giáo dục hàng đầu ở Mỹ và kinh nghiệm của các giáo viên đã từng áp dụng Học kết hợp như cô Wolpert-Gawron cho thấy nếu biết cân bằng giữa hai yếu tố truyền thống và công nghệ trong phương pháp “lai” này, thì kết quả đạt được tốt hơn rất nhiều so với mong đợi. Đó là bởi giáo viên chính là người điều hành lớp học và các hoạt động thực hành trên lớp, chính giáo viên đánh giá bài nói, bài viết hay giải đáp thắc mắc… Bởi bao giờ cũng có những việc mà máy tính không và sẽ không bao giờ làm thay được con người. (http://www.edutopia.org/blog/blended-online-learning-heather-wolpert-gawron)

Chia đều tiềm năng cơ hội

phương pháp, kỷ nguyên số, cơ hội, Clayton Christensen
 

Giải pháp tối ưu cho giáo dục có lẽ sẽ chỉ đơn giản là tích hợp công nghệ thời đại mới với cách học “mặt đối mặt” xưa như trái đất. Học trên lớp, được tiếp xúc trực tiếp với bạn bè, thầy cô chính là cách cân bằng tốt nhất, giúp học viên tránh lệ thuộc vào máy móc. Đây đồng thời cũng là phương pháp hợp lý nhất giúp chia đều cơ hội học tập cho tất cả.

Học sinh không cần bỏ ra nhiều triệu đồng cho một khoá tiếng Anh 2 tới 3 tháng ngoài trung tâm mà không chắc đã lên được một trình độ. Một khoá học kết hợp sẽ giúp giảm giờ học trên lớp, tăng giờ tự học lên, điều này cũng đồng nghĩa với khả năng giảm sĩ số mỗi lớp và tăng thời lượng thực hành trên lớp cho mỗi cá nhân.

Như vậy, nếu áp dụng Học kết hợp ngay trong nhà trường, học sinh, sinh viên sẽ không còn phải lo học thêm bên ngoài, giảm được chi phí, tăng hiệu quả thực chất và rút ngắn tổng thời gian học đáng kể để đạt tới trình độ mong muốn. Với cơ sở hạ tầng ngành giáo dục đang được ưu tiên đầu tư mạnh, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hẹp khoảng cách tri thức với các nước tiên tiến, bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học truyền thống: nói đơn giản là Học kết hợp.

Theo tác giả Tấn Tài, báo Vietnamnet, link gốc: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/155834/hoc-ket-hop---phuong-phap-hoc-ky-nguyen-so.html