Phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia vừa được Bộ GD-ĐT công bố. Theo đó, số thí sinh đạt điểm dưới 1 (điểm liệt) là gần 15000 em. Ở môn Toán, mức từ 5-7,5 điểm là phổ biến. Cả nước chỉ có 86 thí sinh đạt điểm 10, tổng số thí sinh đạt điểm 9 trở lên là 3.152. Ở môn Tón có đến gần 12.000 thí sinh bị điểm liệt. Đối với môn Văn có 11 thí sinh đạt điểm 10, phổ điểm từ 4-7 điểm. Ở môn thi này không có thí sinh nào đạt 0 điểm nhưng có hơn 600 thí sinh bị điểm liệt.

Phổ điểm chủ yếu của môn Vật lý dao động trong phạm vi từ 4-7 điểm, đỉnh là 6 điểm. Cả nước chỉ có 1 thí sinh đạt điểm 10 môn Vật lý và 1.403 thí sinh đạt mức điểm 9,0 điểm. Đối với môn thi trắc nghiệm thì mức điểm liệt khá hạn chế. Ở môn Vật lý chỉ có vài trăm thí sinh có điểm thi dưới 1 điểm. Môn Hóa học, cả nước có 130 thí sinh đạt điểm 10, vùng phổ điểm chủ yếu rơi vào trong khoảng từ 5-7 điểm. Số thí sinh bị điểm liệt rất thấp nhưng có đến gần 300 em bị điểm 0.

Phổ điểm thi trung bình các môn trong kỳ thi THPT quốc gia 2015

Môn Sinh học có phổ điểm khá thấp, từ 3-5 điểm. Chỉ có 35 thí sinh đạt điểm 10. Sinh học là môn tự chọn và chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường có xét tuyển tổ hợp có môn học này phân hóa rất cao thể hiện ở chỗ khối các trường Y – Dược mọi năm có điểm chuẩn rất cao còn khối Nông –Lâm – Ngư khá thấp. Bất ngờ nhất là ở môn Lịch sử khi mà nhiều người cho rằng điểm môn thi này sẽ không cao. Tuy nhiên trên phổ điểm Bộ GD-ĐT công bố thì vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức từ 4-7. Toàn quốc có đến 11 thí sinh đạt điểm 10.

Tổng số thí sinh đạt điểm 0 môn Lịch sử chỉ ở mức 442 em, giảm so với mọi năm. Số thí sinh bị điểm liệt một Lịch sử (từ 1 điểm trở xuống) chỉ khoảng gần 1.300 em. Phổ điểm môn Địa lý so với mọi năm thì khá cao khi mức phổ biến rơi vào phạm vi từ 5-7,5. Ở môn thi này có 84 thí sinh đạt điểm 10. Số thí sinh bị điểm liệt chưa đến 600 em.

Môn thi có phổ điểm thấp nhất là Ngoại ngữ, vùng phổ điểm chủ yếu tập trung ở mức 2-3,5 điểm. Điều này phù hợp với thực tế trong việc giảng dạy môn học ngoại ngữ hiện nay. Kết quả này sẽ có tác động tích cực đến việc thay đổi cách dạy và học môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông. Ở môn Ngoại ngữ có 59 thí sinh đạt điểm 10, có đến gần 20.000 thí sinh đạt mức điểm 8 trở lên. Số thí sinh bị điểm liệt chưa đến 200 em.

Từ kết quả trên cho thấy, tổ hợp 3 môn của các khối thi năm nay có kết quả cao hơn năm 2014 nên ngưỡng điểm chất lượng đầu vào xét tuyển ĐH, CĐ có thể tăng từ 1-1,5 điểm. Tổ hợp các môn khối A, B và D sẽ có biến động khá lớn. Với việc môn Lịch sử có vùng phổ điểm tốt hơn so với kì thi ĐH mọi năm nên ở khối C cũng sẽ có nhiều biến động về điểm trúng tuyển.

Công bố phổ điểm thi THPT quốc gia: Học sinh yếu nhất môn Ngoại ngữ

Tối 23-7, Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm thi THPT quốc gia. Riêng mông ngoại ngữ cho thấy điểm rất thấp, phần lớn thí sinh đạt từ 1,5 -5 điểm. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, về phổ điểm, hầu hết các môn thí sinh đạt từ 4-7 điểm, riêng môn Toán độ phân hóa cao thấp không rõ rệt. Môn ngoại ngữ điểm rất thấp, phần lớn thí sinh đạt từ 1,5 -5 điểm. Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh cần quan tâm phổ điểm mà Bộ sẽ công bố, theo đó các em sẽ biết có bao nhiêu thí sinh hơn, kém điểm mình, để chọn trường phù hợp.

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT chính thức công bố tỉ lệ tốt nghiệp THPT 2015 với tỷ lệ trung bình cả hệ THPT và GDTX là 91,58%. So với năm 2014, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 giảm 7,44%. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 có 1.005.654 thí sinh dự thi, trong đó có 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT, gồm 752.367 thí sinh khối THPT và 64.463 thí sinh khối GDTX.


Đánh giá về kết quả này, Bộ GD-ĐT cho rằng điều này phản ánh đúng hơn kết quả học tập. Công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Do mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa đế xét tuyển cao đẳng, đại học nên đã giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi.

Tỷ lệ tốt nghiệp đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường ĐH chủ trì cao hơn ở các cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì được giải thích là do thí sinh cụm thi ĐH có kết quả học tập cao hơn và không có cơ sở để khẳng định về việc các cụm thi do địa phương tổ chức coi thi, chấm thi lỏng hơn cụm do các trường đại học chủ trì. Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thu thập ý kiến trong ngành và xã hội, phân tích đánh giá để rút kinh nghiệm hoàn thiện các công việc về tổ chức thi, đồng thời nghiên cứu đề xuất các biện pháp chỉ đạo kỳ thi cho những năm tiếp theo.

Về công việc sẽ triển khai tiếp theo, Bộ cho biết, các sở GD-ĐT tổ chức xét công nhận tốt nghiệp, và thông báo kết quả cho thí sinh; đồng thời thu nhận và phối hợp với các cụm thi xử lý kịp thời các đơn phúc khảo của thí sinh. Các trường Đại học, Cao đẳng tổ chức xét tuyển theo danh sách thí sinh đăng ký dựa trên kết quả thi và chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng các quy định của quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng.

Tin gốc:

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/252162/bat-ngo-voi-pho-diem-thpt-quoc-gia-2015.html