Bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH đợt bổ sung

Bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH đợt bổ sung

Sau đợt 1 xét tuyển năm 2016, nhiều trường tốp đầu đều công bố tiếp tục tuyển bổ sung, trong đó có Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Ngoại thương... Thậm chí có trường hạ điểm chuẩn 2016 để có thể lấy đủ thí sinh. Có thể nói cơ hội của thí sinh ở đợt xét tuyển này còn rất lớn.

Theo quy định, trong đợt xét tuyển bổ sung, mỗi đợt thí sinh được đăng ký tối đa vào ba trường và mỗi trường được đăng ký tối đa hai ngành. Các trường sẽ công bố kết quả xét tuyển nguyện vọng bổ sung trước ngày 5-9.

Ngày đầu xét tuyển bổ sung 2016: Các trường hồi hộp đợi thí sinh

Ngày 21/8 các thí sinh chính thức bước vào đợt đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung lần 1. Ghi nhận tại một số trường đại học, ngày đầu chưa có nhiều thí sinh đến đăng ký trực tiếp tại trường.

Theo thông tin từ cán bộ phụ trách nhận hồ sơ trường Đại học Thủy Lợi, hết ngày đầu tiên mới có 7 thí sinh đến trường đăng ký trực tiếp.

Tương tự, không khí tiếp nhận hồ sơ nguyện vọng 2 tại trường Đại học Giao thông vận tải, Thương Mại, Văn hóa Hà Nội, Lao động xã hội cũng hết sức ảm đạm, chỉ lác đác vài thí sinh đến đăng ký.

Là một trong số ít thí sinh đăng ký ngay ngày đầu tại Đại học Giao thông vận tải, em Nguyễn Huy Hoàng (Hà Nội) cho biết: “Nguyện vọng 1 em trượt Đại học Bách Khoa Hà Nội với mức điểm 19.5, sang đợt đăng ký nguyện vọng bổ sung em chỉ nộp 2 nguyện vọng vào Đại học Giao thông, nếu không đỗ sang năm em sẽ thi lại. Với mức điểm này không có nhiều trường em thích”.

Miễn sao đỗ đại học, Trần Ngọc Tuyền chia sẻ : “Em nộp nguyện vọng 2 vào 3 trường Đại học Thương mại, Giao thông vận tải, Nguyễn Trãi. Em quyết định nộp luôn ngày đầu tiên vì năm nay các trường không công bố lượng hồ sơ nộp vào nên em nghĩ nộp sớm cho yên tâm. Em chọn cả trường có mức điểm cao và một trường có mức điểm thấp hơn để đảm bảo chắc chắn đỗ, học trường nào cũng được, miễn là được học đại học”.

Thí sinh Trần Mạnh Hà (Nam Đinh) bắt xe lên Hà Nội nộp hồ sơ ngay từ ngày đầu tiên. Hà cho biết: “Em được 24 điểm khối A, với mức điểm này em khá tự tin khi đăng ký vào Đại học Thủy Lợi và Thương Mại nên quyết định nộp luôn ngày đầu tiên”.

Chưa vội nộp hồ sơ, Trần Thùy Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) đến tận trường Đại học Thương mại để nghe ngóng thông tin. Thùy Anh chia sẻ: “Em định nộp hồ sơ nguyện vọng bổ sung vào ngành Thương mại điện tử. Mức điểm của em không cao lắm, mà ngành này lại lấy ít chỉ tiêu nhất trong số các ngành xét tuyển nguyện vọng 2 nên em rất lo lắng. Em vẫn đang tìm hiểu để đăng ký vào 2 trường nữa với mong muốn có thêm cơ hội vào đại học”.

Cá biệt ngày đầu đăng ký nguyện vọng bổ sung, còn có thí sinh đến nhầm trường không tổ chức xét tuyển đợt này. Trần Thu Ngà có mặt tại Đại học Công Đoàn để nộp hồ sơ vào ngành Luật, nhưng nhận được thông tin trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay nguyện vọng 1 nên không xét tuyển lần 2. Hốt hoảng kiểm tra lại,  nữ sinh mới biết  mình xem nhầm chỉ tiêu của năm trước.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đợt đăng ký xét tuyển bổ sung lần 1, mỗi thí sinh được phép đăng ký tối đa 3 trường, mỗi trường 2 ngành theo thứ tự ưu tiên từ 1-2. Các thí sinh không được phép thay đổi nguyện vọng trong đợt xét tuyển.

Thời gian xét tuyển kéo dài từ 21/8-31/8, từ ngày 31/8-4/9 các trường công bố kết quả thí sinh trúng tuyển nguyện vọng bổ sung lần 1.

Theo PGS TS Nguyễn Tuấn Anh, trưởng phòng đào tạo Đại học Thủy Lợi, trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ lưỡng về trường, ngành mà mình đăng ký. Khác với đăng ký nguyện vọng 1, thí sinh có nhiều thời gian để chọn trường, thậm chí có em đã có hướng sẵn từ khi còn học THCS, hay những năm đầu THPT. Tuy nhiên với nguyện vọng bổ sung, các em sẽ có ít thời gian hơn để lựa chọn, do vậy cần suy nghĩ kỹ trước khi đưa ra quyết định. Không chỉ tính toán về mức điểm, mà còn cần quan tâm đến chương trình đào tạo, mức học phí và đầu ra của ngành đó, tránh việc sau khi nhập học lại thấy không phù hợp./.


Tổng hợp