Thông tin này đang vấp phải ý kiến trái chiều từ phía người dân và các chuyên gia giáo dục.

Lo lắng 'vàng thau lẫn lộn'

Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra quy định cán bộ công tác ở các sở, ban ngành của tỉnh này phải “cắp sách” đi học lại… đại học chính quy nếu muốn thăng quan tiến chức. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với chủ trương này.

Bởi chất lượng đào tạo giữa hệ chính quy và tại chức ở Việt Nam vẫn là một khoảng cách khá xa, từ đầu vào, thi cử đến đầu ra. Chính vì thế, trước đề xuất của Bộ GDĐT sẽ không phân biệt bằng chính quy và tại chức, nhiều người bày tỏ lo lắng.

“Có thực tế, nhiều người học tại chức chỉ đến ghi danh, 'nộp tiền’ để qua các kỳ thi. Nếu bằng tại chức và chính quy là như nhau, tôi cảm thấy không công bằng với người học, nhất là con em nông dân, những người không có tiền và quan hệ”, Hồng Hạnh (sinh viên ĐH Thương mại), chia sẻ.

Theo đánh giá của TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT) - đề xuất thống nhất văn bằng đại học của Bộ GD&ĐT thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Tuy nhiên, những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng hoàn toàn có cơ sở.

“Ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. Tôi nghĩ, khi chất lượng không như nhau chưa thể cấp một loại văn bằng”, TS Lê Viết Khuyến chia sẻ.

TS Khuyến cho rằng việc cần nhất là siết chặt chất lượng đào tạo. Nếu quy định bằng chính quy và tại chức như nhau, trong khi chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến.

Bằng ĐH tại chức sẽ có giá trị như bằng ĐH chính quy
Thí sinh phải vất vả vượt qua kỳ thi THPT quốc gia để giành suất vào một trường chính quy

Giá trị không nằm ở tấm bằng

Còn theo quan điểm của GS Huỳnh Mùi - Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thăng Long - việc không phân biệt bằng chính quy và tại chức không quan trọng bằng việc người tuyển dụng sử dụng văn bằng đó như thế nào.

“Tôi thấy khá nhiều người đi học tại chức cốt để lấy bằng, để đúng quy trình bổ nhiệm. Mấu chốt không nằm ở giá trị tấm bằng, mà ở việc xã hội sử dụng bằng cấp đó như thế nào.

Với nhiều nhà tuyển dụng, họ không phân biệt bằng cấp mà dựa vào năng lực làm việc. Với họ, bằng chính quy hay tại chức không quan trọng nữa”, GS Huỳnh Mùi chia sẻ.

Tuy nhiên, để hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh, GS Huỳnh Mùi cho rằng ngoài việc siết chặt việc kiểm định chương trình đào tạo, cần phải có chế tài với những cơ sở đào tạo và tuyển dụng gian dối. Có như vậy mới lấy được niềm tin của người dân.

Theo Báo Lao Động