>> Giáo dục, đào tạo, kỹ năng sống, học đường

Bạn trẻ với văn hóa giao tiếp trên mạng Internet

Vào lúc 9 giờ ngày 29-9, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ tổ chức buổi trao đổi, giao lưu với chủ đề “Bạn trẻ với văn hóa giao tiếp trên mạng Internet”. Có hai khách mời là ThS tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý Tưởng Việt; ThS - luật sư Nguyễn Thị Thúy Hường trực tiếp trả lời những thắc mắc và truyền đạt kiến thức, kỹ năng cần thiết cho các bạn trẻ. Ngoài ra còn có sự tham gia của ca sĩ trẻ Chí Thiện.

Được biết trong buổi trao đổi sẽ giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề tự do ngôn luận; quyền hạn và trách nhiệm chia sẻ thông tin trên mạng Internet nói chung, các mạng xã hội nói riêng; cách xử sự như thế nào là phù hợp với văn hóa và thuần phong mỹ tục Việt Nam; những trường hợp thông tin trên mạng bị chế tài, xử lý theo pháp luật.

Buổi trao đổi này nằm trong khuôn khổ chương trình “Kết nối tri thức - chia sẻ thành công” đã được tiến hành trong thời gian qua. Trước đó, một hoạt động của giới trẻ được báo điện tử chinhphu.vn đưa tin:

Giới trẻ làm từ thiện qua mạng xã hội.

Hiện nay, phong trào làm từ thiện trên các mạng xã hội đang phát triển rất nhanh và có sức lan tỏa rộng trong đại bộ phận thanh niên. Cùng với sự phổ biến của Internet và các mạng xã hội (Facebook, Twitter…), rất nhiều tổ chức tình nguyện đã sử dụng phương thức kêu gọi bằng cách đưa ra những thông tin cụ thể về chương trình như: Địa điểm thực hiện, thời gian tổ chức và số tài khoản nhận tiền quyên góp cũng như thông tin liên lạc của các thành viên đại diện… lên Fan Page (là trang chia sẻ chuyên nghiệp của một nhóm/tổ chức với nhiều thành viên) của nhóm và trang cá nhân của từng thành viên.

Chính những hoạt động này đã biến những cái “ảo” của Internet thành hành động thiết thực, có ích cho xã hội và cộng đồng. Ngoài mục đích làm từ thiện và giúp đỡ những số phận kém may mắn thì phong trào mang lại nhiều lợi ích cho các bạn tình nguyện viên tham gia như: Được giao lưu, kết bạn, phát triển kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm...

Hình thức quyên góp được sử dụng nhiều nhất là tiền mặt được chuyển khoản trực tiếp vào số tài khoản của đại diện tổ chức (nhóm). Ngoài ra, tùy theo đặc trưng chương trình (đầu năm học mới, Tết Trung thu, áo ấm mùa đông…) mà các tổ chức sẽ thu nhận các hiện vật khác nhau. Từ bánh nướng, bánh dẻo, kẹo ngọt, đồ chơi, quần áo, giày dép… đến gạo, muối vừng, ruốc… đều được các tổ chức đón nhận.

Mới đây, chương trình “Góp bánh Trung thu tặng trẻ em miền núi” của Câu lạc bộ Tình nguyện trẻ, ngoài bánh, kẹo, đồ chơi thì những bộ quần áo ấm, đôi ủng, muối vừng, cá khô, ruốc… đã được chuyển đến tay các em học sinh xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Những món quà thực sự hữu ích chính là điều các em nhỏ khó khăn mong muốn nhận được từ các nhà hảo tâm.

Hoạt động nhỏ lẻ hơn, nhóm bạn của chị Mạc Thanh Huyền (hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) dịp Trung thu này cũng kêu gọi quyên góp được 42.850.000 đồng mang đến các phần quà cho 88 bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại cơ sở II Bệnh viện K Hà Nội.

Theo tác giả Chu Thanh Hiền Báo Pháp Luật TPHCM