Tiếp câu chuyện “buôn than”
“Số tao nó khổ”, “Tao kém cỏi”,… đó là câu nói cửa miệng của mỗi cử nhân, kỹ sư thất nghiệp trên bàn nhậu, những góc tối trà đá mà các “tân cựu sinh viên” thường trút bầu với nhau. H, sau khi tốt nghiệp loại “trâu bò kéo” (trung bình khá) ĐH GTVT đã lặn lội tìm việc ở khắp mọi nơi, nộp hồ sơ vào các doanh nghiệp tư nhân với mức lương hấp dẫn nhưng đều “out” khỏi vòng phỏng vấn vì nhà tuyển dụng chỉ phỏng vấn bằng tiếng Anh mà khoản này cậu hoàn toàn mù tịt. Được đôi ba lần, H bắt đầu nản, cậu lại tiếp tục các cuộc nhậu nhẹt, trà đá thâu đêm để có thể buôn than với bọn bạn - những người cùng cảnh ngộ.
Rồi M, trước học trong trường cậu cũng chỉ học và tối về mải miết tụ tập đám bạn. “Tung tăng” cầm chiếc bằng Kỹ sư loại khá đi xin việc, M mới tá hỏa ra rằng công việc nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm trong khi phần này ở CV xin việc cậu bỏ trống.
Giải pháp “chống cháy”
Khi “than” đã lên nhiệt thì buộc lòng các cựu sinh viên phải tìm cách “chống cháy”. H sau khi vật vã không xin được việc ở những nơi mong muốn đã quyết định nộp hồ sơ vào những nơi mà trước kia cậu từng tuyên bố: “Có cho tiền tao cũng chẳng thèm”. Đó là những nơi mức thu nhập không đủ sống, lương trả theo hệ số nhà nước mà một tân kỹ sư chỉ có hệ số 2,34.
M không thể tìm được một công việc như mong muốn, cậu quyết định ở nhà ôn thi cao học. Giờ đến gặp bạn bè M cũng tránh vì câu hỏi thường gặp của đám bạn bây giờ là: “Mày làm ở đâu rồi?”, “Lương lậu cao không?”… M bức xúc: “Biết thế ngày xưa mình cứ xin đi làm tạm cái gì đấy, có lần thầy giáo tổ chức một nhóm làm nghiên cứu khoa học và tham gia cộng tác với công ty của thầy, mình là đứa học cũng kha khá, thầy gọi đầu tiên. Thế mà mình cứ tặc lưỡi: Sinh viên chỉ cần học và chơi thôi, làm sớm mất vui”. Học cao học lúc này trở thành một thứ giải pháp chống cháy đỡ “mang tiếng” nhất.
Chuyện những người may mắn
Ngoại trừ những tân cử nhân đã chắc chỗ do “bàn tay ma thuật” của phụ huynh. Không phải ai ra trường cũng có sẵn một công việc long lanh như mình vẫn mơ ước. Đó là kết quả của quá trình “tu luyện” không mệt mỏi trong những năm tháng còn đi học. Ngồi nghe đám bạn nói chuyện: “Cái A. nó may thật, ra trường có công ty mời về, trả lương ngất ngưởng trong khi tao vất vả đi tìm khắp nơi mà chẳng có chỗ nào thèm nhận”.
Cái A. ở đây đã tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ, bằng đẹp, tiếng Anh chuẩn, lại thêm bảng dày thành tích nghiên cứu khoa học, dạy thêm, làm thêm từ năm nhất. Tính ra kinh nghiệm của A đã ngót 4 năm. Với ngần ấy những thứ A có, cô dễ dàng tìm được một công việc xứng đáng với những gì cô có.
T. ra trường với bằng cử nhân Xã hội học, cảm thấy chưa đủ tự tin để đăng kí vào một công ty nào, cậu quyết định đi làm bồi bàn buổi tối, vừa để tăng khả năng giao tiếp, có thêm thu nhập, vừa có cơ hội học thêm một tấm bằng kinh tế nữa để đảm bảo sau này mình có thể chuyên sâu vào một lĩnh vực nào đấy. Hiện nay cậu đã tốt nghiệp văn bằng hai kinh tế và đang làm việc tại một công ty viễn thông lớn.
Đừng để thời gian “chết”
Tìm đến các sàn giao dịch việc làm, những website, các thông báo tuyển dụng đăng khắp nơi, nhờ bạn bè, người thân giới thiệu… chính là con đường thường thấy để họ tìm ra lối thoát cho những tháng ngày “tạm thất nghiệp”. Và cũng đôi khi, câu chuyện “vào đời” của những tri thức trẻ gặp trục trặc đơn giản chỉ là do sau có việc làm một cách vội vã lại phải bỏ việc vì cảm thấy không hài lòng, bất mãn.
Để thời gian chết chính là sự sai lầm nghiêm trọng nhất của họ. Mỗi công việc sẽ đem lại những hiểu biết, những kỹ năng nhất định. Có thể bắt đầu từ con số không chứ đừng để mọi thứ dừng lại ở một con số “chết”. Việc nằm nhà và đợi một điều kỳ diệu xảy đến là không thể có. Đó là thông điệp dành cho những tri thức trẻ tuổi đang trên con đường thực hiện ước mơ và tự khẳng định mình.
10 kỹ năng giúp bạn không lo thất nghiệp
Theo lời khuyên của các chuyên gia, những người đang đi tìm việc làm, đặc biệt là những ai muốn tìm kiếm vị trí quản lý, nên biết cải thiện các kỹ năng mềm của bản thân. Dưới đây là 10 kỹ năng mềm cần thiết cho người tìm việc.
Tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động, mỗi công ty có nhu cầu tuyển nhân viên có kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, chỉ giỏi chuyên môn thôi là chưa đủ, bạn cần có những kỹ năng mềm nhất định.
Kỹ năng mềm chỉ một tập hợp những phẩm chất, thói quen, quan điểm và sức hút xã hội của một cá nhân, giúp con người đó trở thành một nhân viên tốt và có khả năng thích nghi với đồng nghiệp và công ty. Các doanh nghiệp đề cao vai trò của kỹ năng mềm vì các nghiên cứu và kinh nghiệp thực tế cho thấy rằng, kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém gì các kỹ năng cứng về chuyên môn.
Trong bối cảnh nền kinh tế dịch vụ và vai trò ngày càng lớn của việc làm việc theo nhóm, các công ty lớn càng coi trọng những người có khả năng xây dựng các mối quan hệ, biết thích nghi và sáng tạo trong giải quyết vấn đề. Theo lời khuyên của các chuyên gia, những người đang đi tìm việc làm, đặc biệt là những ai muốn tìm kiếm vị trí quản lý, nên biết cải thiện các kỹ năng mềm của bản thân. Dưới đây là 10 kỹ năng mềm mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm nhiều nhất ở các ứng viên:
1. Tinh thần làm việc cao
Bạn có phải là người có động lực và dồn tâm sức để hoàn thành công việc, cho dù đó là việc khó? Liệu bạn có tận tâm và luôn muốn làm việc một cách tốt nhất? Sức mạnh của tinh thần làm việc tập thể từ lâu đã được công nhận. Một cá nhân có thể đạt đến hiệu quả công việc nhất định, nhưng nếu kết hợp với một đội/ nhóm, hiệu quả ấy có thể gia tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, xây dựng tinh thần làm việc tập thể đang được các doanh nghiệp chú trọng, hướng đến để trở thành văn hóa công sở. Hãy xác định vai trò của chính bạn.
Trước nhất, là một nhân viên bạn cần xác định rõ vai trò và vị trí của bạn trong doanh nghiệp. Sau đó, hãy hoàn thành thật tốt công việc ở vị trí trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm này.
Những điểm mạnh của bạn là gì?
Bạn cần làm gì để kết nối những nhân viên khác bằng điểm mạnh này?
Điểm yếu của bạn khi kết hợp với công việc tập thể là gì?
Những khó khăn đó cản trở hiệu quả công việc như thế nào?
Đấy là những câu hỏi mà bạn cần phải đặt ra khi bắt đầu hòa nhập vào môi trường làm việc tập thể.
2. Thái độ tích cực
Bạn có phải là một người luôn lạc quan và tích cực? Bạn có thể tạo ra một nguồn năng lượng và ý chí dồi dào? Để có thái độ tích cực bạn hãy bắt đầu bằng những câu nói khẳng định thái độ tích cực của bạn: Tôi hiểu tầm quan trọng của việc duy trì một thái độ tích cực trong cuộc sống, chẳng hạn như:
– Tôi luôn có thái độ sống tích cực, nhìn sự việc theo những khía cạnh lạc quan, tươi sáng và đầy hi vọng.
– Tôi luôn lạc quan tin rằng, những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong cuộc sống của tôi.
– Tôi háo hức đón chờ một ngày mới. Tôi tận hưởng niềm vui sống mỗi ngày và cảm thấy hân hoan hơn bao giờ hết!
3. Kỹ năng giao tiếp tốt
Bạn có phải là một người nói năng mạch lạc, khúc chiết và biết lắng nghe người khác? Bạn có thể diễn tả tình huống và những nhu cầu của bạn theo cách tạo ra được cầu nối với đồng nghiệp, khách hàng và đối tác?
4. Khả năng quản lý thời gian
Bạn có biết làm thế nào để sắp xếp các nhiệm vụ theo thứ tự ưu tiên và cùng lúc xử lý nhiều công việc khác nhau? Bạn có sử dụng thời gian làm việc một cách khôn ngoan không? Dù thế nào đi nữa thì cho đến cuối cùng, quản lý thời gian vẫn là vấn đề lựa chọn.
Nếu lựa chọn tốt mang lại kết quả tốt, lựa chọn tồi sẽ tốn thời gian và sức lực. Ai cũng có thể học và làm chủ được thời gian. Chỉ cần bạn luyện tập và kiên trì. Cũng giống như các kỹ năng khác, bạn có thể học cách quản lý thời gian theo cách dễ dàng hoặc theo cách nghiêm khắc.
Cách học nghiêm khác thường bao gồm nhiều năm thử thách và mắc lỗi, rất nhiều lỗi sai phát sinh từ việc tìm ra những việc gì có hiệu quả và những việc gì không có hiệu quả. Nếu như bạn muốn mình tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, thì bạn nên thử học theo cách dễ dàng: đó là học hỏi từ những người đi trước.
5. Kỹ năng giải quyết vấn đề
Bạn có phải là người tháo vát và có khả năng giải quyết những vấn đề phát sinh bất ngờ? Bạn có dám đứng ra nhận trách nhiệm hay thích đẩy trách nhiệm cho người khác?
6. Có tinh thần đồng đội
Bạn có thể làm việc tốt khi ở trong đội/nhóm không? Bạn có phải là người dễ hợp tác và sẵn sàng nắm vai trò lãnh đạo nếu được trao.
7. Tự tin
Bạn có thực sự tin tưởng là mình sẽ làm được việc? Bạn có tạo được cho những người xung quanh sự tin tưởng? Bạn có sự dũng cảm để đưa ra những cần hỏi cần thiết và thoải mái trình bày các ý tưởng mà bạn có?
8. Khả năng chấp nhận và học hỏi từ những lời phê bình
Bạn có biết cách xử lý những lời phê bình, chỉ trích? Bạn có phải là một người có thể được đào tạo và cởi mở với sự học hỏi và phát triển, với tư cách một cá nhân cũng như một người chuyên nghiệp?
9. Linh hoạt, có khả năng thích nghi
Bạn có thể thích nghi với những tình huống mới và thách thức mới? Bạn có chấp nhận sự thay đổi và cởi mở với những ý tưởng mới.
10. Làm việc tốt dưới áp lực
Bạn có chịu được những áp lực đi kèm với các thời hạn và các tình huống khủng hoảng? Bạn có thể làm việc tốt nhất trong tình trạng áp lực không? Theo lời khuyên của các chuyên gia, khi tìm việc, bạn nên tập trung vào những kỹ năng có khả năng thu hút sự chú ý nhiều nhất đối với nhà tuyển dụng. Bạn cần học cách để thể hiện những kỹ năng này qua lý lịch xin việc (resume), phỏng vấn, hoặc trong bất kỳ tình huống tiếp xúc nào với nhà tuyển dụng.
Chẳng hạn, bạn có thể kể câu chuyện bạn đã xử lý một cuộc khủng hoảng hoặc thách thức công việc ra sao ở công ty. Đề cập tới sự nể trọng của đồng nghiệp mà bạn nhận được. Thậm chí, bạn có thể mang theo những lá thư cảm ơn mà công ty hoặc khách hàng gửi cho bạn vì những nỗ lực đó. Hãy nhớ rằng, cho dù bạn xin một công việc trong lĩnh vực dịch vụ, kỹ thuật hay bất kỳ một công việc nào khác, sự kết hợp giữa các kỹ năng cứng và kỹ năng mềm sẽ giúp bạn nổi bật giữa các ứng viên.
Theo Dân trí