Tin liên quan

>> Những bất ổn mang tên nội trú

>> Bếp ăn bán trú chỉ là giấc mơ

>> Phí học bán trú có thể tăng ấp đôi tại TpHCM

Con học một buổi, cha mẹ lo

Từ hai buổi bị rút còn một buổi vì thiếu chỗ học, việc học của con trẻ khiến cha mẹ bối rối lo giữ con buổi học còn lại.

Mỗi năm học, TP.HCM đưa vào sử dụng hàng ngàn phòng học mới nhưng tỉ lệ học sinh (HS) tiểu học và THCS được học hai buổi tăng không đáng kể. Vì vậy cứ vào năm học mới, một lượng lớn HS phải chịu thiệt thòi vì không đảm bảo chỗ học, kéo theo nỗi lo cho các bậc phụ huynh.

Tất bật đón con về

11 giờ, chuông báo giờ tan học, sân Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Tân Phú) nhốn nháo hẳn lên. Một bộ phận HS khối lớp 3, 4, 5 nhanh chóng thu dọn sách vở trên bàn để các cô bảo mẫu mang cơm đến từng phòng cho các em ăn trưa rồi nghỉ ngơi và chuẩn bị cho ca chiều. Trong khi đó, HS lớp 1 rối rít theo chân cô giáo xếp hàng ngay ngắn chờ ra về.

So với năm học trước, khối lớp 1 của trường giảm một lớp nhưng vẫn có 6/9 lớp 1 phải học một buổi vì không đủ chỗ học. Số HS này sẽ ở nhà tự học hoặc được ba mẹ gửi tại các lớp bán trú vệ tinh do giáo viên hoặc người dân mở ra. Anh Ý, phụ huynh có con học lớp 1, cho biết anh vừa tìm được một lớp vệ tinh gần nhà do nguyên hiệu trưởng một trường tiểu học trong quận mở và sẽ cho con học từ tháng sau. Một tháng, cả tiền học và xe đưa đón là 1,1 triệu đồng.

Tại Trường Tiểu học Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), từ hơn 10 giờ sáng, phụ huynh đã đứng kín cổng trường để chờ đón con về. Hiện trường này có hơn 1.000 HS với gần 30 lớp nhưng chỉ đáp ứng học hai buổi cho khoảng 1/3 HS, mỗi khối được hai lớp và ưu tiên từ lớp 1 đến lớp 3. Chị Phụng, phụ huynh có con học lớp 2, cho hay ngay từ đầu năm học, nhà trường thông báo đăng ký học hai buổi nhưng HS quá đông nên chỉ dành cho con cán bộ nhà nước là chính. “Năm ngoái con mình đã học một buổi, mình phải kêu đứa cháu đang là sinh viên đến nhà trông cho con học buổi chiều, không ngờ năm nay lại học một buổi tiếp nên chưa biết tính sao. Trưa nào cũng vội về đón con, nấu cho con ăn trưa xong mới đi làm tiếp” - chị Phụng nói.

Một buổi cũng phải học nhờ

Mang tiếng được học ở trung tâm thành phố nhưng gần ba năm nay HS Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) phải chịu cảnh chỉ được học một buổi. Ngoài cơ sở chính là Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, HS của trường phải học nhờ tại ba điểm trường khác trên đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Tranh thủ giờ nghỉ trưa, một phụ huynh có con học lớp 4 đến cơ sở trên đường Nguyễn Đình Chiểu đón con về nhà. Chị cho biết tiền thân cơ sở này là Trường Mẫu giáo Lê Thị Riêng, phòng ốc nhỏ hẹp nên HS lớp nhỏ được ưu tiên học hai buổi. Con chị chỉ được học một buổi, buổi còn lại không biết giữ con thế nào nên chị đăng ký hai lớp năng khiếu ở Nhà Thiếu nhi quận 1 cho con để kín giờ.

Bà Phạm Thị Phương Loan, Phó Hiệu trưởng trường này, cho biết hiện toàn trường có hơn 1.400 HS, không nhiều hơn so với mọi năm nhưng cố gắng lắm trường cũng chỉ tổ chức cho toàn HS khối 1, một phần HS khối 2 và 3 được học hai buổi, riêng khối 4 và 5 phải học một buổi. “Năm nào nhà trường cũng ngóng cho trường mới xây xong để HS được đi học thoải mái, rồi còn bán trú, còn học tiếng Anh.... Thương những HS phải học nhờ ở mấy phòng học cũ của trường bạn. Các em cứ hỏi cô giáo khi nào được học trường mới nhưng cô trò chỉ biết im lặng chờ” - bà Loan chia sẻ.

Do năm học này quận 12 không có trường tiểu học mới nào đưa vào sử dụng trong khi lượng HS vẫn tăng lên, gây khó khăn cho việc tổ chức học hai buổi và mở lớp dạy tiếng Anh. Các trường tiểu học như Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Thệ, Trần Văn Ơn của quận này luôn phải đối mặt với sự quá tải HS nên một lượng lớn HS của quận 12 phải sang học nhờ các trường ở quận Gò Vấp và cũng chỉ được học một buổi.

Dạy học hai buổi/ngày ở trường tiểu học là tổ chức cho học sinh học tập và vui chơi trong ngày ở trường. Buổi thứ nhất thực hiện chương trình chính khóa, buổi thứ hai là thời gian dành để bổ sung chương trình và tổ chức ôn luyện kiến thức đã học, tăng cường nội dung các môn nghệ thuật, thể dục nhằm phát triển năng khiếu cho học sinh, tổ chức dạy học các môn tự chọn và các hoạt động tập thể .

Giáo viên có thời gian và điều kiện gần gũi, gắn bó với học sinh thông qua đó để phát hiện năng khiếu cũng như giúp học sinh bổ sung những kiến thức cơ bản cần thiết.

Giảm áp lực học tập cho học sinh, các em có điều kiện hoàn thành bài ngay tại lớp mà không phải mang bài về nhà.

(Theo Bộ GD&ĐT)

 

Những tin tức đang được quan tâm:

Tuyển sinh - thông tin tuyển sinh - xét tuyển, tỉ lệ chọi

Điểm thi đại học - điểm chuẩn đại học - điểm thi

Kênh Tuyển Sinh (Phapluattp)