Thông tin từ Bộ GD-ĐT, từ đầu năm 2018 đến 31/12/2021, có 818 ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, trong đó đã có các ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực mới.
Các ngành mà các trường đại học mở nhiều nhất đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực mới là: khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh, IoT và trí tuệ nhân tạo ứng dụng, nghệ thuật số, robot và trí tuệ nhân tạo, digital marketing…
Bạn đã cập nhật những ngành cần nguồn nhân lực lớn trong thời gian tới chưa?
Mở ngành đáp ứng nhu cầu nhân lực cho cách mạng 4.0
Theo Bộ GD&ĐT, việc các trường đại học mở nhiều ngành nghề mới như hiện nay các cơ sở giáo dục đại học được thực hiện tự chủ, được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp; bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo đã công bố.
Các trường chủ động điều chỉnh các chương trình đào tạo; chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu của người học. Đồng thời, các trường cập nhật, điều chỉnh các ngành mới để đáp ứng nhu cầu xã hội, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc đẩy mạnh việc cạnh tranh trong tuyển sinh, các trường đã chủ động dừng tuyển sinh một số ngành đào tạo không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội và chủ động thay thế bằng các ngành đào tạo mới phù hợp và cần thiết hơn trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện tại và xu hướng trong tương lai gần.
Theo Bộ GD&ĐT, số lượng ngành đào tạo do các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) tự chủ mở tăng lên đáng kể (tăng 1,5 lần so sánh 2016 và 2021) trong khi số lượng ngành đào tạo do Bộ GDĐT phê duyệt ngày càng giảm mạnh (giảm hơn 3 lần so sánh 2016 và 2021).
Các đại học quốc gia, đại học vùng và 23 trường đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP rất cân nhắc khi mở ngành đào tạo, đặc biệt ở trình độ tiến sĩ. Cơ sở GDĐH đẩy mạnh quản lý chất lượng, nâng cao chất lượng các lĩnh vực đào tạo mũi nhọn, uy tín và truyền thống của trường thông qua việc phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu khoa học, nâng cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm…
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết, nhà trường đã ban hành Danh mục ngành, chuyên ngành đào tạo được quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 để giảm tối đa sự chồng chéo, trùng lặp giữa các ngành đào tạo, mở thêm nhiều ngành học mới.
Theo đó, đến năm 2025, ĐHQGHN sẽ có tổng 572 chương trình đào tạo các loại, trong đó có 192 chương trình đại học, 225 chương trình đào tạo thạc sỹ và 155 chương trình đào tạo tiến sỹ.
So với các chương trình đang đào tạo hiện tại, danh mục này có thêm rất nhiều ngành mới. Trong đó bậc đại học có 67 ngành được quy hoạch, bậc thạc sỹ có 118 ngành và bậc tiến sỹ có 55 ngành.
Đặc biệt, có 58 ngành đào tạo thí điểm bậc đại học, 102 ngành thí điểm bậc thạc sỹ và 43 ngành thí điểm bậc tiến sỹ.
Theo GS Đức, trong những giai đoạn trước, nhiều ngành thí điểm sau đó đã được đưa vào danh mục của Nhà nước và triển khai đào tạo trong toàn quốc, được khẳng định và đánh giá cao như: Thạc sĩ và tiến sĩ Đo lường đánh giá trong giáo dục, kỹ sư Công nghệ - Kỹ thuật xây dựng - Giao thông, kỹ sư Tự động hóa và Tin học, Công nghệ Hàng không - Vũ trụ; cử nhân Khoa học dữ liệu, kỹ sư Năng lượng, Vật liệu và Linh kiện nano, An ninh phi truyền thống, Biến đổi khí hậu...
GS Đức cho rằng, trong giai đoạn tới, cho đến năm 2025, có lẽ chưa có ngành nào thực sự "biến mất". Song, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, của trí tuệ nhân tạo, của cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với đó là sự thay đổi, gia tăng về cả yêu cầu và nhu cầu của con người, nhiều ngành khoa học ngày càng có tính liên ngành và xuyên ngành, thậm chí có sự xóa nhòa ranh giới của một số ngành, kèm theo là nhiều chương trình đào tạo phải có sự đổi mới linh hoạt: có thể là sự đan cài vào nhau, có thể là sự chuyển hóa, có thể là sự phân chia, cũng có thể là sự tích hợp.
Một số ngành/chuyên ngành đào tạo mới xuất hiện là: Trí tuệ nhân tạo, Quản trị công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Quản trị năng lượng và Phát triển bền vững, Logistic, Thiết kế công nghiệp và Đa phương tiện, Quản lí đô thị và công trình (thông minh), Công nghệ tài chính và kinh doanh kĩ thuật số, … Các ngành kỹ thuật - công nghệ, các ngành liên quan đến nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 chiếm tỷ trọng khá lớn trong các ngành mới được quy hoạch của ĐHQGHN trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Toàn cho rằng, trong năm 2022, những ngành nghề có thu nhập cao vẫn là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, Digital Marketing, xây dựng, y tế, điện - cơ khí.
Ông Toàn nhận định, những ngành nghề trên vẫn là những ngành nghề có thu nhập cao năm 2022 và tiếp tục cao trong vòng 5-10 năm tới. Đối với những chuyên viên có trình độ cao, kỹ sư điện toán đám mây, thiết kế đồ họa, chuyên gia mạng máy tính, chuyên viên Marketing Online...
Nhiều ngành trọng điểm nhưng ít sinh viên theo học
Cũng theo thống kê của Bộ GD&ĐT, các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức cao (đạt tỷ lệ trên 85%), bao gồm: Dịch vụ vận tải (89,2%); Nghệ thuật (85,4%); Thú y (85,2%). Điều đặc biệt là số lượng sinh viên tốt nghiệp các lĩnh vực đào tạo thuộc nhóm này rất thấp, chỉ dao động từ vài trăm đến trên một nghìn sinh viên.
Các lĩnh vực có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm mức khá (đạt tỷ lệ từ 75% đến 85%), gồm: Kiến trúc và Xây dựng (79,6%); Sản xuất và Chế biến (79,5%); Toán và Thống kê (77,7%); Sức khỏe (76,7%); Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (75,8); Khoa học sự sống (75,6%).
Với những ngành học trên, tỷ lệ sinh viên có việc làm cao như vậy nhưng trong vài năm trở lại đây có 5 nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp nhất, bao gồm: Khoa học tự nhiên (41,43%), Nông lâm ngư nghiệp và thủy sản (43,91%), Dịch vụ xã hội (49,98%), Khoa học sự sống (54,43%), Môi trường và bảo vệ môi trường (65,28%).
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GD&ĐT Nguyễn Thu Thủy cho biết, đây là những nhóm ngành học mũi nhọn, xã hội đang rất cần nguồn nhân lực cao ở lĩnh vực này nhưng lại khó tuyển sinh.
Việc các trường ồ ạt mở ngành học mới, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho hay, tự chủ đại học tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường đầu tư vào các điều kiện bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo (cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, tỷ lệ sinh viên có việc làm…) để cạnh tranh trong tuyển sinh, thu hút được sinh viên giỏi; thúc đẩy các trường ngày càng đi vào thực chất hơn với chất lượng đào tạo, phát triển bền vững.
> Lưu ý khẩn về đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học
> Cẩm nang tuyển sinh 2022: Gỡ rối thắc mắc trong đăng ký và sửa đổi nguyện vọng
Theo Dân trí