5 tỉnh có điểm thi trung bình THPT quốc gia cao nhất nước
Trong 5 tỉnh thì tỉnh Nam Định có điểm trung bình tất cả các môn thi cao nhất với mức điểm 5,31, tiếp đến là Hải Dương 5,08; Bắc Ninh 5,01; Ninh Bình 5,0, Hà Nam 4,98.
Thành phố lớn như TP.HCM có mức điểm trung bình là 4,97; TP.Hà Nội đứng thứ 19 với mức điểm trung bình 4,77.
Những tỉnh có mức điểm trung bình đứng cuối bảng là Trà Vinh (4,10); Lạng Sơn (4,08) và Trà Vinh (3,96).
Thống kê điểm các môn thi và khối thi
Cũng theo thống kê của TS Đàm Quang Minh, nếu xét theo khối thi thì các tỉnh giỏi theo khối như sau:
- Khối A : Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nghệ An.
- Khối B: Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam.
- Khối C: Yên Bái, Ninh Bình, Bắc Giang, Thanh Hóa
- Khối D: Nam Định, Tp.HCM, Bến Tre, Ninh Bình, Hà Nam.
Thú vị là giỏi nhất về ngoại ngữ thuộc về: Bến Tre, Lào Cai, Cao Bằng, Lai Châu, Đắk Nông, Bạc Liêu sau đó mới đến Tp.HCM.
TS Đàm Quang Minh cho rằng, rõ ràng việc kiểm tra ngoại ngữ đã không thực sự hướng được đến các kỹ năng đầy đủ của một sinh ngữ. Việc này không dễ thay đổi ngày một ngày hai vì nói chung học sinh VN nếu không đi học thêm Tiếng Anh thì học ở trường sẽ không giao tiếp được với người nước ngoài.
Theo TS Minh, một điểm khó giải thích là điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội đứng gần thấp nhất trong bảng xếp hạng. Điều này cho thấy ở HN có một lượng lớn thí sinh không quan tâm đến việc tốt nghiệp THPT điểm cao. Đây có thể là những em chuẩn bị đi du học hoặc thuộc các huyện miền núi phía Tây Hà Nội.
Nói về điểm thi môn Ngoại ngữ thấp, TS. Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) cho rằng, đề thi 2016 có khả năng phân hoá trong nội bộ nhóm học sinh khá giỏi tốt hơn đề thi năm 2015. Một mặt, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường đại học xét tuyển đầu vào. Mặt khác, sự phân hoá này vẫn cần tiếp tục được cải thiện trong tương lai.
Theo TS Minh, khó khăn của bộ phận chịu trách nhiệm về đề thi khi họ cần tạo sự cân đối nhất định trong việc đảm bảo một đề thi tiếng Anh có cả hai chức năng. Thứ nhất, đề thi dành cho đại trà học sinh trong một bối cảnh là việc dạy và học môn tiếng Anh ở phổ thông mặc dù đã được đầu tư nhiều và cũng đã có nhiều cố gắng của cả thầy và trò nhưng cũng còn nhiều khó khăn.
Thứ hai, đề thi dành cho việc xét tuyển vào đại học và cao đẳng khi mà càng ngày các trường đại học, cao đẳng càng dành nhiều quan tâm cho các tổ hợp điểm có điểm môn tiếng Anh trong đó.
Tiến sĩ Minh cho hay, theo cảm nhận của tôi, dường như, đề thi môn tiếng Anh năm nay làm tốt chức năng 2 hơn là chức năng 1. Mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh Việt Nam chưa tốt nên điểm thi tiếng Anh thấp hơn điểm các môn khác cũng là điều dễ hiểu.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Điểm thi môn ngoại ngữ thấp không phải do đề khó
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, mức độ phân hóa đề thi năm nay rất tốt. Riêng môn Ngoại ngữ có điểm trung bình chưa cao do nhiều em không đủ thời gian để hoàn thành và bỏ qua phần tự luận chứ không phải đề thi quá khó.
Theo thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, mức độ phân hóa đề thi năm nay rất tốt. Những năm trước sự phân hóa dải điểm cao 9-10 không tốt lắm nên phổ điểm rất dốc khiến nhiều trường tốp trên rất khó tuyển sinh và phải dùng đến tiêu chí phụ. Năm nay, với sự phân bố dải điểm như vậy, các trường tốp trên sẽ tuyển sinh dễ dàng hơn. Qua những kết quả của các cụm thi công bố ta thấy phổ điểm năm nay tương đối đều hơn, tất cả các môn có phổ điểm tốt, riêng môn Ngoại ngữ có điểm trung bình chưa cao.
Lý giải việc tổng thể điểm ngoại ngữ thấp, thứ trưởng Ga cho rằng, do môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp nên hầu hết thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia thi ngoại ngữ. Trong đó, có những em dân tộc thiểu số hoặc sống ở miền núi, ở vùng nông thôn, những nơi chất lượng dạy học môn ngoại ngữ chưa tốt, nên kết quả thi ngoại ngữ sẽ không cao. Tuy nhiên, các em dự thi môn ngoại ngữ để xét tuyển vào đại học thì điểm thi nhiều em rất tốt.
“Đề thi năm nay cũng như năm ngoái, Bộ cũng muốn kiểm tra phần viết để các em học đều hơn cả 4 kỹ năng: Nghe - nói - đọc - viết. Thông thường, các em sẽ ưu tiên làm phần trắc nghiệm để kiếm điểm cao hơn bởi phần tự luận chỉ chiếm 20% điểm sẽ làm sau. Nhiều em không đủ thời gian để hoàn thành và bỏ qua phần tự luận chứ không phải đề thi quá khó” – Thứ trưởng Ga nói.
Công khai phổ điểm để thí sinh biết đăng ký xét tuyển
Theo thứ trưởng Ga, sau khi có kết quả, Bộ sẽ thống kê tất cả các phổ điểm của từng môn học cũng như kết quả của từng khối thi để phục vụ cho việc xét ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Năm nay Bộ chủ trương công khai tất cả kết quả thi của toàn bộ thí sinh. Ngoài việc tra điểm từng cá nhân, Bộ cũng công bố danh sách toàn bộ các cụm thi, cho nên các em có thể sử dụng kết quả công khai phổ điểm các môn thi cũng như tổ hợp xét tuyển.
Trên cơ sở kết quả công khai, các em có thể biết được tại cụm thi mình ở thứ hạng như thế nào, tốp nào để đưa ra những đăng ký xét tuyển phù hợp. Đây cũng là một kênh tham khảo để các em chọn trường, chọn ngành phù hợp với mức điểm mình đạt được.
Chia sẻ với thí sinh trong việc xét tuyển đại học, thứ trưởng Ga cho rằng, rút kinh nghiệm, năm nay TS chỉ có thể nộp hồ sơ và không thể thay đổi nguyện vọng (NV) trong quá trình xét tuyển, bù lại Bộ cho các em có nhiều NV hơn: đợt 1 cho các em nộp 2 trường, mỗi trường 2 NV; đợt tiếp theo các em được nộp 3 trường, mỗi trường 2NV.
Thông tin về điểm chuẩn vào các ngành/trường năm 2015 rất bổ ích để các em tham khảo. Thông tin thứ hai cũng rất quan trọng là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào mà sắp tới Hội đồng sẽ công bố.
Khi ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thay đổi có nghĩa là điểm chuẩn vào các ngành, các trường cũng sẽ thay đổi theo, các em nên theo dõi 2 thông số này để đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Theo Dân trí, tin gốc: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/5-tinh-co-diem-thi-trung-binh-thpt-quoc-gia-cao-nhat-nuoc-20160726094441923.htm