Đây là báo cáo thường niên của Trung tâm Quốc gia Dự báo và Thông tin Thị trường Lao động thuộc Cục Việc làm, Bộ LĐ, TB & XH là cơ quan thực hiện báo cáo, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thông qua qua Dự án Thị trường Lao động do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ.

Báo cáo đã nêu bật những yếu tố tích cực đạt được gần đây của thị trường lao động, chỉ ra các xu hướng việc làm ảnh hưởng đến quyết định của các chuyên gia hoạch định chính sách và các nhà đầu tư, đồng thời chỉ ra những mục tiêu việc làm mà Việt Nam đã đạt được.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đánh giá cao những kết quả đạt được của báo cáo trong việc phân tích thực trạng và xu hướng của việc làm, thất nghiệp và thị trường lao động trong giai đoạn 2007 - 2009 làm cơ sở hoạch định chính sách thị trường lao động hữu hiệu hơn trong giai đoạn sắp tới.


Theo báo cáo, Việt Nam có tỷ số việc làm trên dân số tương đối cao, với gần 75% dân số từ 15 tuổi trở lên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bất ổn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam đã giảm trong giai đoạn từ 2007 đến 2009. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng đối với nam giới và nữ giới trong độ tuổi 15 - 19 (từ 37,1% năm 2007 lên 43,8% năm 2009) cho thấy rằng đã có một lượng lớn thanh thiếu niên rời bỏ nhà trường để tìm việc kiếm sống và hỗ trợ gia đình.

Ngành chiếm nhiều lao động nhất ở Việt Nam là các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, với gần 23 triệu lao động trong năm 2008. Số liệu trên cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu của thị trường lao động Việt Nam từ những việc làm trong ngành nông nghiệp có năng suất lao động thấp, đòi hỏi nhiều lao động sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn, được đầu tư công nghệ và tài chính nhiều hơn.


Trong hầu hết các dự báo, việc làm trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có chiều hướng giảm và sẽ ở mức 21,1 triệu lao động vào năm 2020. Người lao động có trình độ và kỹ năng cao hơn sẽ là chất xúc tác cho quá trình chuyển đổi này cũng như sự tăng trưởng thành công của Việt Nam trong vai trò là quốc gia có thu nhập trung bình.

Nhiều ngành hiện có tỷ lệ việc làm rất cao nhưng lại có xu hướng giảm vào năm 2015 gồm: khai khoáng, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất phân phối điện, khí đốt, cung cấp nước, xây dựng, vận tải và kho bãi, khách sạn, nhà hàng, thông tin, truyền thông, giáo dục, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, nghệ thuật và vui chơi giải trí. Ngành có tỷ lệ giảm cao nhất là khai khoáng từ 10,6% năm 2011 xuống còn 9,6% năm 2015.


Cũng theo dự báo, đến năm 2015 có 9 ngành nghề sẽ tăng nhu cầu việc làm gồm: tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động khoa học công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội; hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình; các tổ chức quốc tế và các hoạt động dịch vụ khác. Trong số các ngành này, ngành có nhu cầu việc làm tăng cao nhất là hoạt động Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ…

Tuy nhiên, những ngành này lại giảm mạnh, khoảng 50% việc làm, vào năm 2020. Trong năm này ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng gấp đôi số việc làm từ 1,2% lên 2,3%.

Xu hướng này cho thấy rất nhiều ngành nghề có nhu cầu việc làm cao vào năm 2010 thì sẽ bị bão hòa vào năm 2015 và năm 2020.

 

Theo 24H