Tổ chức giáo dục QS vừa công bố kết quả Bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á 2021, trong đó Việt Nam có 11 đại diện lọt vào danh sách này.

> Việt Nam đứng thứ 13 Châu Á về khả năng sử dụng Tiếng Anh

> Hàn Quốc đưa AI vào chương trình phổ thông

Năm nay, bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu châu Á có sự góp mặt của 650 cơ sở giáo dục, trở thành bảng xếp hạng khu vực lớn nhất do QS công bố.

bảng xếp hạng đại học

Thứ hạng của các trường đại học ở Việt Nam trên bảng xếp hạng

So với xếp hạng năm 2020, Việt Nam có thêm 3 đại diện góp mặt vào danh sách là Đại học Sư phạm Hà Nội (hạng 551-600), Đại học Công nghiệp TP.HCMĐại học Kinh tế TP.HCM, đồng hạng 601+. Tuy nhiên, thứ hạng một số trường giảm rõ rệt.

Cụ thể, Đại học Quốc gia TP.HCM xếp thứ 158, tụt 15 hạng so với năm trước. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tụt 13 hạng, xếp thứ 160 trong danh sách.

Đại học Bách khoa Hà Nội lọt top 301-350, thứ hạng giảm sâu so với năm 2020 là 261-270. Thứ hạng của Đại học Cần Thơ cũng giảm từ top 401-450 xuống 451-500.

Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Duy Tân và Đại học Huế có chuyển biến tích cực. Đại học Duy Tân vượt khỏi top 451-500 và ghi danh vào nhóm trường đại học hạng 351-400. Đại học Huế lọt top 401-450, năm 2020 là 451-500. Đại học Đà Nẵng vẫn giữ nguyên thứ hạng, nằm trong top 401-450.

Theo QS, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tiếp tục dẫn đầu châu Á. Đồng hạng với NUS là Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) và Đại học Tokyo (Nhật Bản). Cả 3 trường đều đạt điểm tối đa về danh tiếng học thuật.

đại học quốc gia singapore

Đại học Quốc gia Singapore là 1 trong 3 trường dẫn đầu danh sách các trường đại học tốt nhất khu vực châu Á

Trong bảng xếp hạng năm 2021, Trung Quốc dẫn đầu châu Á với hơn 120 trường lọt vào danh sách. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc được bầu chọn là điểm đến lý tưởng dành cho du học sinh.

Bảng xếp hạng các trường đại học của QS được đánh giá dựa trên 11 tiêu chí. Trong đó, danh tiếng học thuật (30%), danh tiếng nhà tuyển dụng (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (10%), mạng lưới nghiên cứu quốc tế (10%), tỷ lệ trích dẫn trên các bài báo (10%), tỷ lệ bài báo xuất bản trên giảng viên (5%), tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ (5%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên trao đổi trong nước (2,5%) và tỷ lệ sinh viên trao đổi nước ngoài (2,5%).

Theo Zing News