Cô Lê Thị Hà - giáo viên Trường tiểu học thị trấn Cẩm Thủy (Thanh Hóa) - nhận định: Trong giờ dạy Lịch sử, có những giáo viên không hiểu kênh hình nên không khai thác được kênh hình với đúng vai trò của nó mà chỉ đưa ra như một sự minh hoạ đơn thuần; từ đó đưa ra những cách sử dụng kênh hình hiệu quả trong giờ Lịch sử.

Sử dụng bản đồ, lược đồ

Sử dụng bản đồ, lược đồ chủ yếu được bố trí ở loại bài về các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch, các trận đánh nhằm giúp học sinh hiểu được vị trí của cuộc khởi nghĩa, chiến dịch, trận đánh… cách bố trí lực lượng hai bên và diễn biến của cuộc khởi nghĩa, chiến dịch, trận đánh…

Khi khai thác lược đồ, giáo viên phải giúp học sinh hiểu được ý nghĩa sâu xa của cách trọn vị trí trận địa, việc bố phòng và hướng tấn công của hai bên qua đó làm nổi bật âm mưu của địch, sự thông minh và nghệ thuật quân sự tài tình cũng như tinh thần chiến đấu dũng cảm của ta từ đó giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho các em.

Ví dụ ở bài: “Thu - đông 1947, Việt Bắc “ mồ chôn giặc Pháp”( Lịch sử lớp 5), khi hướng dẫn trên lược đồ người giáo viên không dùng lại ở mức độ chỉ cho học sinh thấy các hướng tấn công của địch và cách chọn vị trí tiêu diệt địch của ta một cách đơn thuần, mà còn phải giúp các em phân tích để thấy âm mưu thâm độc của thực dân Pháp trong việc bao vây nhằm tiêu diện gọn, chặt đứt mọi đường rút và đường liên hệ của ta với bên ngoài.

Nhưng với việc “nắm địch”, “hiểu địch” tốt và bằng nghệ thuật quân sự tài tình ta đã hoá giải và đập tan âm mưu của chúng.

Trong quá trình dạy các bài Lịch sử có liên quan đến các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch người giáo viên có thể tận dụng các tranh ảnh từ lớp này để dạy cho lớp khác, giúp cho tiết học phong phú và sinh động hơn.

" Chiêu" hâm nóng giờ Lịch sử với sử dụng kênh hình

Ví dụ: Dạy bài Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở Lớp 5 có thể sử dụng lược đồ này ở lớp 4 .

Sử dụng tranh, ảnh tư liệu

Việc sử dụng tranh ảnh, tài liệu thường cho loại bài về các cuộc khởi nghĩa, các chiến dịch, loại bài về chính trị xã hội và thành tựu.

Đó là tranh ảnh về các cuộc khởi nghĩa, các cuộc biểu tình, về một loại vũ khí nào đó, về tình hình chính trị, kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân, về các thành tựu kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật…của mỗi triều đại ứng với mỗi giai đoạn lịch sử nhất định.

Đối với loại bài này người giáo viên phải am hiểu đầy đủ về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật của mỗi thời kỳ mới có thể hiểu và khai thác tốt kênh hình phục vụ việc giảng dạy đạt hiệu quả cao.

Việc khai thác tranh ảnh thể hiện các thành tựu văn hoá như điêu khắc, kiến trúc, các giá trị văn hoá phi vật thể là khó khăn hơn cả với người giáo viên vì đây là những lĩnh vực không dễ hiểu và càng không dễ chuyển tải đến học sinh, nhất là học sinh tiểu học.

Vì vậy giáo viên cần có sự đầu tư sưu tầm tranh ảnh liên quan đến nội dung bài học, chuẩn bị chu đáo các tư liệu về các giá trị văn hóa của các nhà nghiên cứu Lịch sử có ở trên sách báo và trên các trang mạng.

Tất nhiên khi diễn đạt ý này cho học sinh tiểu học phải bằng thứ ngôn ngữ và cách diễn đạt phù hợp với nhận thức của các em, đặc biệt phải bằng các hình ảnh tư liệu trực quan.

Ảnh chân dung nhân vật lịch sử

Đây là ảnh của các nhân vật lịch sử trong loại bài dạy về nhân vật lịch sử. Số bài dạy về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong chương trình Lịch sử lớp 5 không nhiều.

Cái mới của loại bài này so với chương trình cũ là dạy nhân vật lịch sử thông qua và gắn liền với sự kiện lịch sử chứ không thuần tuý kể về nhân vật lịch sử như trong chương trình cũ.

Vì vậy, việc khai thác ảnh chân dung của nhân vật phục vụ bài dạy phải đảm bảo nguyên tắc: Làm nổi bật tư chất, nhân cách nhân vật nhưng không quá xa đà, không tách rời nhân vật lịch sử ra khỏi mối quan hệ với thời đại của nhân vật và sự kiện lịch sử mà nhân vật có vai trò quyết định.

Ví dụ khi dạy một số bài: “Bình Tây đại nguyên soái Trương Định”; Nguyến Trường Tộ mong muốn canh tân đất nước; Cuộc phản công ở kinh thành Huế; Phan Bội Châu và phong trào Đông du; Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước; Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập.

Đây là một số bài gắn với sự kiện và giai đoạn lịch sử với sự xuất hiện của các nhân vật Lịch sử tiêu biểu, vì vậy giáo viên cần sử dụng triệt để các hình ảnh, chân dung các nhân vật lịch sử và có sự so sánh vai trò của họ ở mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau( Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Theo Giáo dục Thời đại, tin gốc: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chieu-ham-nong-gio-lich-su-voi-su-dung-kenh-hinh-687077-v.html