Xử phạt học sinh phạm luật giao thông, nhà trường có liên đới?Học sinh lái xe vi phạm Luật an toàn giao thông khi không đội mũ bảo hiểm, ảnh chụp sáng 9-3 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thông tin này đã nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Có người đồng tình vì cho rằng đây là giải pháp cứng rắn và cần thiết nhưng cũng có ý kiến băn khoăn về tính hiệu quả của quy định này.

Lắm băn khoăn

Nhiều người đồng ý với quy định học sinh vi phạm luật giao thông có thể bị đình chỉ học tập bởi nhiều lý do tích cực của nó.

Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến phản biện, bày tỏ sự băn khoăn. Người dân cho rằng "người dân vi phạm luật nào thì bị xử lý theo luật đó, không thể vi phạm luật giao thông mà lại bị phạt theo hình thức kỷ luật về học tập".

“Không lẽ học sinh vi phạm sẽ bị phạt nặng hơn người bình thường? Vừa bị CSGT phạt vừa bị nhà trường trừng phạt?” - bạn đọc Hung Nguyen đặt câu hỏi.

Nhiều người cũng lo ngại liệu có hay không việc học sinh lợi dụng quy định này để “được” nghỉ học.

“Học sinh chăm học vi phạm dọa đuổi học thì sợ, nhưng học sinh bất hảo thì được nghỉ học là...khỏe” - một bạn đọc lo ngại về tính hai mặt của quy định.

Một câu hỏi khác đặt ra là đình chỉ học thì được gì? “Thay vì đình chỉ học, tại sao không tập trung những em vi phạm luật lại và cho học luật thật nghiêm túc. Nếu em nào đạt 8 điểm trở lên thì xem như đạt yêu cầu, chưa đạt yêu cầu thì phải tiếp tục học luật?" - bạn đọc Lê Dũng Sỹ đề xuất.

Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: "Xử phạt học sinh vi phạm giao thông, nhà trường là nơi quản lý học sinh có liên đới? Nếu nhiều học sinh của trường nào đó bị vi phạm giao thông quá nhiều, có xử phạt ban giám hiệu trường? Không chỉ xử phạt khi biện pháp hướng dẫn, giáo dục chưa cao".

Nên có sự phối hợp

ThS. Lê Thị Loan, phó khoa Giáo dục, Học viện quản lý Giáo dục Hà Nội đánh giá đây cũng là một biện pháp để hạn chế việc các em học sinh vi phạm Luật Giao thông. Tuy nhiên, theo TS Lê Thị Loan, đây chỉ là một biện pháp có tác dụng răn đe tại thời điểm hiện tại, về lâu dài vẫn phải ưu tiên việc giáo dục ý thức tuân thủ Luật Giao thông.

“Ý thức và thái độ vẫn là những mục tiêu bền vững hơn. Từ kiến thức, từ thái độ về an toàn giao thông mà các em học được, các em sẽ biến thành những hành động đem lại lợi ích cho cộng đồng và những hành động ấy phải là tự giác” - TS Lê Thị Loan nhận định.

Nếu chỉ tập trung giáo dục kiến thức và kỹ năng mà không giáo dục thái độ thì sẽ dẫn đến hiện tượng “đối phó”.

Thêm vào đó, không phải em nào vi phạm luật giao thông cũng sẽ bị bắt và xử phạt, bởi vì việc tham gia giao thông không diễn ra trong nhà trường nên các thầy cô sẽ không kiểm soát hết được.

Như vậy có thể gây nên sự bất công giữa các học sinh khi em này vi phạm thì bị xử phạt trong khi em kia cũng vi phạm nhưng lại không.

“Khi các em vi phạm ngoài đường, liệu có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành công an và nhà trường nơi các em đang học để mà xử phạt các em hay không?” - TSLê Thị Loan đặt câu hỏi.

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng công việc này không chỉ có nhà trường mà còn phải có sự phối hợp từ phía gia đình.

“Tôi hy vọng các trường sẽ xử phạt một cách nghiêm túc, đồng bộ để tránh gây bất công giữa các học sinh. Lực lượng CSGT cũng phải thường xuyên thông báo tới nhà trường về những học sinh vi phạm để nhà trường có điều kiện giáo dục các em này một cách chặt chẽ hơn” – TS Nguyễn Tùng Lâm đề nghị.

Mặt khác, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng hy vọng mọi người dân tham gia giao thông gương mẫu để học sinh không bắt chước theo những thói quen xấu. Mọi người đều nghiêm túc thì học sinh cũng sẽ noi gương và nghiêm túc hơn.

Nhà trường cần xem xét để xử lý phù hợp với độ tuổi

TS, luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn LS TP cho rằng kế hoạch tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016 - 2020 mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề ra là phù hợp với mục đích giáo dục mà Luật Giáo dục hiện hành.

TS Nguyễn Hữu Thế Trạch nhận định việc quản lý giáo dục học sinh, sinh viên không chỉ là của nhà trường mà đây là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tuy không thể xử lý tất cả hành vi vi phạm, nhưng việc xử lý một số hành vi cụ thể của một số học sinh sẽ mang tính chất giáo dục cho các học sinh, sinh viên còn lại, đây là điều muốn đạt được. Kế hoạch cũng không đặt ra tiêu chí là phải xử lý tất cả các hành vi vi phạm của học sinh, sinh viên trên toàn TP.Hà Nội.

“Học sinh, sinh viên là những đối tượng đặc biệt, chưa thật sự phát triển hoàn thiện về vấn đề tâm sinh lý. Khi đề ra kế hoạch, cũng như hình thức xử lý tại nhà trường cần xem xét để phù hợp với độ tuổi, sự phát triển sau này của học sinh, sinh viên.

Tránh việc kiểm điểm trước trường, công khai cho nhiều người cùng biết, hình thức kiểm điểm trước trường có thể được áp dụng khi học sinh, sinh viên nhiều lần vi phạm trong thời gian ngắn dù đã được nhắc nhở nhiều lần”, TS Nguyễn Hữu Thế Trạch nói thêm.

Mức chế tài được Sở GD-ĐT Hà Nội quy định:

-        Học sinh, sinh viên vi phạm lần 1 hạ một bậc hạnh kiểm vào tháng mắc lỗi và phê bình trước trường, kiểm điểm mời gia đình đến cam kết.

-        Tiếp tục vi phạm lần 2 sẽ hạ hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo cho địa phương nơi cư trú.

-        Học sinh, sinh viên đã được giáo dục nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe.


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20160311/xu-phat-hoc-sinh-pham-luat-giao-thong-nha-truong-co-lien-doi/1064902.html