Xây dựng kế hoạch “chống liệt” thi THPT quốc gia

Xây dựng kế hoạch "chống liệt" thi THPT Quốc gia

Ông Lê Duy Định cho biết: Từ đầu tháng 5 đến ngày 27/5/2016, Sở GD&ĐT Gia Lai đã tiến hành kiểm tra ở 16 trường THPT gồm: Hà Huy Tập, Quang Trung, Lương Thế Vinh, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Chí Thanh, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tất Thành, Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Đinh Tiên Hoàng, Trần Phú, Lê Quý Đôn, Tôn Đức Thắng, Lê Hoàn, Nguyễn Trường Tộ.

Nội dung kiểm tra là việc triển khai công tác ôn tập lớp 12 theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT và nâng cao chất lượng dạy và học môn Toán, Ngữ văn lớp 12.

Kết quả kiểm tra cho thấy, kế hoạch phụ đạo cho học sinh yếu, kém của một số trường được xây dựng cụ thể, gồm kế hoạch cho cả giai đoạn, kế hoạch tháng và mỗi tuần, như trường THPT: Trần Phú, Lê Hoàn, Đinh Tiên Hoàng...

Các trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đã tổ chức thực hiện nghiêm túc việc triên khai quy chế thi cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh; tuyên truyền rộng rãi cho cha mẹ học sinh. Qua đó góp phần vào việc đăng ký thi cụm địa phương và đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ của học sinh.
Ông Lê Duy Định
Đặc biệt, có trường đã chủ động xây dựng kế hoạch “chống điểm liệt” trước khi Sở GD&ĐT có văn bản chỉ đạo như Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Quang Trung hoặc Trường THPT Nguyễn Du đã linh hoạt tổ chức ôn tập tăng thêm 20 phút đầu giờ cho 2 môn Văn, Toán từ đầu tháng 4/2016.

Tất cả các trường đều có các kế hoạch của tổ/nhóm môn Toán, Ngữ văn được xây dựng cụ thể, chi tiết đồng thời đưa ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện những nhiệm vụ phụ đạo học sinh yếu - kém, kế hoạch dạy ôn tập giúp học sinh nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu kì thi THPT quốc gia, mà trên hết là thoát khỏi điểm liệt.

Mỗi tổ chuyên môn đã lập danh sách học sinh yếu, kém, giao trách nhiệm giảng dạy và quản lý học sinh cho giáo viên, đặc biệt có Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đã trực tiếp quản lý và dạy phụ đạo cho các học sinh kém môn Toán và có nguy cơ bị điểm liệt trong kỳ thi THPT quốc gia 2016.

Trường đặt mục tiêu phần trăm đỗ tốt nghiệp

- Ngoài nội dung “chống liệt”, các trường Gia Lai có đặt mục tiêu nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2016?

Nhằm nâng cao tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2016, các đơn vị đã đăng ký tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhà trường và giao chỉ tiêu về tỉ lệ điểm trên trung bình cho các môn thi THPT quốc gia.

Đa số các đơn vị đã đăng ký tỷ lệ đỗ tốt nghiệp mức 90% - 95% như: Trường THPT Quang Trung, Lê Hoàn, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trường Tộ, Chu Văn An, Lê Quý Đôn...

Một số đơn vị đăng ký tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức 70% - 75% như: Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Du, Hà Huy Tập... Thấp nhất là Trường THPT Phan Chu Trinh với tỷ lệ đăng ký đỗ tốt nghiệp ở mức 60%.

Giáo viên đến tận nhà đưa học sinh đến lớp ôn tập

- Để đạt được mục tiêu này, Sở GD&ĐT và bản thân các trường có giải pháp như thế nào, đặc biệt trong công tác ôn tập và quản lý ôn tập?

Hiện các trường được kiểm tra trên địa bản tỉnh đã chủ động có kế hoạch dạy ôn tập cho học sinh khối lớp 12 ngay từ đầu năm học.

Ngoài việc thi thử theo kế hoạch chung và đề chung của toàn tỉnh, một số cụm trường đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức thi thêm lần 2 dành cho môn Toán và Ngữ Văn với đề thi của cụm trường dành cho các học sinh thi cụm địa phương như cụm trường Đak Đoa, cụm trường Đức Cơ...
Ông Lê Duy Định

Kế hoạch ôn tập các đơn vị chia thành 3 giai đoạn.

  • Giai đoạn 1: Thực hiện trong học kì I dưới hình thức dạy thêm trong nhà trường, số tiết tăng thêm cho các môn 2 tiết/tuần;
  • Giai đoạn 2: Thực hiện trong học kì II và sau khi học sinh đăng ký sơ bộ các môn thi tốt nghiệp;
  • Giai đoạn 3: Trong tháng 5-6/2016, số tiết được ôn tập từ 4-6 tiết/môn.

Cho đến nay các trường đã thực hiện ôn tập cho học sinh theo các môn thi tự chọn và môn bắt buộc.

Về công tác quản lý ôn tập, thi thử, các đơn vị có nhiều biện pháp nhằm tăng cường việc quản lý học sinh trong giai đoạn ôn tập; huy động tất cả tổ chức, cá nhân trong nhà trường tham gia vào công tác quản lý và duy trì sĩ số như: Phân công điểm danh, theo dõi học sinh vắng hàng ngày để kịp thời phối hợp với gia đình học sinh động viên học sinh đến lớp...

Một số đơn vị có biện pháp quyết liệt dành cho học sinh cá biệt như Trường THPT Lê Quý Đôn yêu cầu phụ huynh đưa học sinh đến trường và đợi đến cuổi buổi học. Trường THPT Tôn Đức Thắng đã cử giáo viên đến tận nhà để đưa học sinh đến trường (đối với những học sinh nhà xa, không có phương tiện đi lại).

Với các đối tượng học sinh tự do, phần đông các trường đã tạo điều kiện để thí sinh tự do tham gia ôn tập và thi thử. Tuy nhiên, hiệu quả chưa cao khoảng 10% thí sinh tự do tham gia ôn tập.

Sở GD&ĐT đã có yêu cầu các trường thông báo rộng rãi để thí sinh tự do tham gia ôn tập và thi thử sắp tới.

- Trong thời gian ôn tập này, học sinh có phải đóng kinh phí không, thưa ông?

Việc thu tiền ôn tập của học sinh, các trường đã thực hiện theo quy định của UBND tỉnh về công tác dạy thêm trong nhà trường.

Riêng có 2 trường THPT Lý Thường Kiệt và THPT Phan Chu Trinh không thu tiền ôn tập cho học sinh trong tháng 6/2016, nhằm bắt buộc tất cả học sinh tham gia ôn tập.

Trường tự biên soạn bộ tài liệu ôn tập

- Để nâng cao chất lượng ôn tập, nhiều địa phương đã xây dựng đề cương ôn thi THPT quốc gia cho từng môn. Gia Lai có thực hiện điều này? Nếu có, ông có thể đánh giá về hiệu quả đạt được?

Ở Gia Lai, các trường được kiểm tra đều đã xây dựng bộ tài liệu ôn tập thi THPT quốc gia cho 8 môn thi; cá biệt có 2 trường THPT Phan Chu Trinh và Đinh Tiên Hoàng chỉ có 7 bộ tài liệu vì không có học sinh thi môn Tiếng Anh.

Nhìn chung tài liệu đã đáp ứng được nhu cầu ôn tập của học sinh thi THPT quốc gia như: Đã hệ thống hóa kiến thức theo chuyên đề, chủ đề; có bài tập áp dụng minh họa; có hệ thống bài tập và bộ đề thi tham khảo.

Một số trường đã biên soạn tài liệu chi tiết, có phân loại cho từng đối tượng học sinh như Trường THPT Nguyễn Du, Tôn Đức Thắng.

Một số trường đã tổ chức lưu trữ tài liệu tại thư viện cho học sinh và giáo viên tham khảo, hàng năm có bổ sung như Trường THPT Lê Hoàn.

Bên cạnh đó, cũng có một số bộ môn biên soạn tài liệu thiếu tính cụ thể, thiếu chi tiết, chưa sát đối tượng học sinh (chưa phân loại tài liệu cho học sinh yếu kém); cũng có đơn vị đã biên soạn tài liệu nhưng chưa phát hành đến học sinh sử dụng.

- Cuối cùng, xin ông cho biết một số thông tin về kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại Gia Lai?

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, Gia Lai có 13.844 thí sinh, trong đó có 3.619 thí sinh tự do. Toàn tỉnh tổ chức 2 cụm thi: Cụm ĐH dành cho thí sinh dự thi với 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Cụm này có tổng số 8.314 thí sinh dự thi. Cụm thi tốt nghiệp do Sở GD&ĐT chủ trì có 5.530 thí sinh dự thi.

Để tạo thuận lợi cho thí sinh, Sở GD&ĐT đã thành lập cụm thi ĐH tại Pleiku và cụm thi tốt nghiệp tại 14 huyện và thị xã. Hiện danh sách cụ thể từng địa điểm thi đã được Sở GD&ĐT công bố.

- Xin cảm ơn ông!

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/xay-dung-ke-hoach-chong-liet-thi-thpt-quoc-gia-1909721-v.html


Xem thêm thông tin tuyển sinh năm 2016 nhanh nhất tại kenhtuyensinh.vn