Vô cùng sai lầm nếu chủ quan vì cụm thi ĐH đặt tại tỉnh

Đó là điều thầy Ngô Thanh Sơn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang - đặc biệt nhấn mạnh và muốn thông qua báo Giáo dục và Thời đại gửi gắm đến các thí sinh dự thi THPT quốc gia năm nay.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, thí sinh phải phối hợp chặt chẽ với thầy cô để lựa chọn ngành nghề, tổ hợp môn thi, hình thức thi theo cụm nào cho phù hợp.

Đặc biệt, đừng nghĩ thi tại tỉnh là có nhiều cơ hội hơn, từ đó không cần cố gắng. Trong quá trình tổ chức ôn tập, ngay từ khi tham gia thi thử, thí sinh cần rèn thói quen tự lập, bình tĩnh, tự tin để bộc lộ hết kiến thức của mình vào bài làm.

Bắc Giang sẽ tổ chức 2 cụm thi

Xin thầy cho biết nhận định của mình về dự kiến một số điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay?

- Qua nghiên cứu hai dự thảo quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD&ĐT, với tư cách cá nhân và thay mặt lãnh đạo Sở GD&ĐT, tôi thấy rất đồng tình. Dự thảo đã duy trì các ưu điểm, đồng thời sửa đổi, bổ sung tất cả những hạn chế, tồn tại từ kỳ thi năm trước, từ vấn đề kỹ thuật đến phần mềm, khâu tổ chức thi tuyển...

Sau khi nghiên cứu dự thảo, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã có văn bản gửi Bộ GD&ĐT, cơ bản là đồng tình, chỉ có một số góp ý nhưng là chi tiết nhỏ.

Không chỉ với riêng Bắc Giang, tôi thấy rằng, các điều chỉnh, bổ sung phù hợp với nguyện vọng chung của thí sinh, phụ huynh. Đơn cử như tại Bắc Giang, kỳ thi năm trước, các thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào các trường ĐH, CĐ phải đi đến tận Thái Nguyên dự thi.

Một lực lượng khoảng 10.000 học sinh, chưa kể phụ huynh di chuyển sang tỉnh khác như vậy không chỉ phức tạp đối với gia đình học sinh mà tỉnh Thái Nguyên cũng rất khó khăn trong tổ chức kỳ thi, dù cuối cùng kỳ thi năm 2015 cũng thành công tốt đẹp.

Kế hoạch tổ chức cụm thi THPT quốc gia của Bắc Giang là như thế nào, thưa thầy?

- Ngay khi Bộ GD&ĐT công bố chủ trương về tổ chức kỳ thi, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã tính đến phương án tổ chức 1 cụm thi, nhưng vì học sinh ở vùng xa, nếu tập trung tại một điểm sẽ khó khăn nên cuối cùng chúng tôi đã lựa chọn phương án tổ chức 2 cụm

Hiện, Sở GD&ĐT đã chủ động đề xuất với UBND tỉnh và chính thức có công văn báo cáo Bộ GD&ĐT về dự kiến tổ chức hai cụm thi: Cụm thi do trường ĐH chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT dành cho thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ và cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì dành cho thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp.

Hiện chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của Bộ về việc chọn trường ĐH chủ trì tổ chức cụm thi đại học tại Bắc Giang.

Bố trí điểm thi thuận lợi nhất cho thí sinh

Với địa bàn có huyện vùng xa, giao thông không thuận tiện, dự kiến các điểm thi sẽ được Bắc Giang bố trí như ra sao?

- Chúng tôi sẽ tùy tình hình cụ thể để lựa chọn các điểm thi cụ thể. Nhưng dự kiến, hiện trên địa bàn tỉnh có trường ĐH Nông Lâm Bắc Giang, nếu trường này được phân công chủ trì cụm thi ĐH, Sở GD&ĐT sẽ bàn với trường để chọn địa điểm. Có thể đặt tại trường, trong thành phố.

Hiện thành phố Bắc Giang có khoảng 500 phòng thi, huy động các trường từ THCS đến TCCN. Do đó, cụm thi dành cho thí sinh tại cụm đại học nếu thi tại thành phố sẽ rất thuận lợi.

Với học sinh thi tại cụm địa phương, tức chỉ thi THPT quốc gia để xét tốt nghiệp thì về cơ bản, quan điểm của chúng tôi sẽ vẫn tổ chức như mọi năm.

Theo đó, mỗi huyện sẽ có những điểm thi, có thể là liên trường, vùng khó khăn như huyện Sơn Động, Lục Ngạn có thể thi tại trường. Cơ sở vật chất, đội ngũ và các điều kiện khác nhìn chung đủ đáp ứng kỳ thi.

Cụ thể, các trường THPT và trung tâm GDTX của Bắc Giang hiện nay có thể đáp ứng được khoảng trên 10.000 học sinh dự thi.

Liệu có áp lực và khó khăn gì không trong việc Bắc Giang lần đầu tiên tổ chức cả hai cụm trên địa bàn tỉnh?

- Bản thân chúng tôi, với truyền thống làm việc từ trước đến nay thấy không thấy có áp lực gì, mặc dù dư luận bên ngoài có thể đặt câu hỏi nọ kia về tính nghiêm túc, khách quan. Quan trọng là lựa chọn thế nào để bộc lộ tinh thần chung lấy lợi ích của người học làm cơ sở.

Trên thực tế, hai cụm thi không có khác biệt về công tác coi thi, chấm thi vì quy chế đã quy định rõ quy trình chặt chẽ, cụm nào cũng phải làm theo một quy trình thống nhất và Bộ GD&ĐT quản lý trực tuyến.Nếu ai làm trái là vi phạm quy chế.

Riêng chấm thi, từng bài thi có thang điểm rõ ràng. Nhiều năm nay, chúng tôi phải chọn các thầy cô giáo chấm thi, ngoài trình độ chuyên môn còn phải có phẩm chất đạo đức tốt.

Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện nay là nếu trường ĐH nào đó không phải đóng trên địa bàn chủ trì cụm thi ĐH tại tỉnh, chúng tôi sẽ phải chuẩn bị cho họ một khu vực làm việc đảm bảo điều kiện để tổ chức kỳ thi nghiêm túc.

Nhiều thí sinh chọn Địa lý, Hóa học

Thầy có thể chia sẻ thông tin về việc tổ chức khảo sát thí sinh lựa chọn môn thi kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và thí sinh có nguyện vọng vào ĐH, CĐ?

- Việc phân luồng được Sở GD&ĐT chỉ đạo ngay từ đầu năm học. Hiện nay chúng tôi chưa có thông tin được tập hợp chính thức, nhưng qua trao đổi sơ bộ với các trường và đi thực tế, xu thế chung, học sinh có nguyện vọng thi vào ĐH, CĐ ở ban khối nào thì chọn theo ban khối đó.

Với thí sinh chỉ thi tốt nghiệp, số em chọn môn Địa lý có tỷ lệ cao hơn trong khối xã hội; với khối tự nhiên, tỷ lệ chọn Hóa xu hướng cao hơn. Nhưng dù có bao nhiêu thi sinh thì chúng tôi cũng tổ chức đảm bảo quyền lợi các em.

Năm 2015, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng trên 43% thí sinh đăng ký thi THPT quốc gia với hai mục đích là xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào ĐH. Năm nay, dù cả hai cụm thi được tổ chức ở địa phương, dự đoán tỷ lệ thí sinh tham gia ở 2 cụm thi cũng chỉ khoảng 50 - 50.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phải phân tích rõ cho học sinh, xét năng lực của mình để lựa chọn, đừng vì thi ĐH tại tỉnh mà chỉ dồn vào để thi ĐH.

Thí sinh phải cùng sự tư vấn của nhà trường và gia đình để lựa chọn cùng với việc căn cứ theo năng lực, sở trường bản thân. Bên cạnh đó, không ít trường ĐH cũng xét tuyển thí sinh thi tại cụm địa phương, nên các em còn có cơ hội vào ĐH.

Xây dựng kế hoạch ôn tập phù hợp từng đối tượng học sinh

Chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. Thời điểm này, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã có chỉ đạo cụ thể như thế nào tới các trường trong công tác ôn tập?

- Ngay sau khai giảng năm học này, động tác đầu tiên là các trường phải xây dựng chương trình phù hợp với từng đối tượng học sinh, thực hiện dạy học phân hóa; đồng thời chủ động vừa dạy, vừa ôn thi, chuẩn bị cho những bộ môn thi tốt nghiệp, đặc biệt 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ.

Khi Bộ GD&ĐT công bố chủ trương tổ chức kỳ thi, Sở GD&ĐT đã triển khai ngay văn bản xuống các cơ sở, yêu cầu nhà trường phổ biến cho phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo.

Cùng với đó, các trường điều chỉnh, bổ sung và rà soát kế hoạch ôn tập đã được xây dựng, đặc biệt chú trọng tư vấn phân luồng cho học sinh với quan điểm chỉ định hướng chứ không bắt buộc.

Ngoài ra, năm nào Bắc Giang cũng tổ chức thi thử ít nhất một lần. Mục đích nhằm giúp học sinh xác định được điểm thi của mình, làm quen với trường thi, giúp thí sinh ổn định tâm lý chuẩn bị cho kỳ thi chính thức; học sinh qua kỳ thi biết mình hổng kiến thức nào, cần có kế hoạch bù đắp ra sao.

Cách tổ chức khá phức tạp vì phải làm như thật. Dự kiến, chúng tôi sẽ tổ chức kỳ thi thử năm 2016 cho học sinh vào khoảng trung tuần tháng 5 này. Trước đó, các nhà trường có thể tự tổ chức thi thử trong phạm vi cấp trường.

Xin cảm ơn thầy!

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/vo-cung-sai-lam-neu-chu-quan-vi-cum-thi-dh-dat-tai-tinh-1706640-v.html