Về kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Bình tĩnh nhìn lại(Ảnh: Thiện Hoàng).

Nhìn lại cách thi và mùa thi những năm trước

“Muốn đánh giá về kỳ thi năm nay, trước hết chúng ta phải nhìn lại cách thi và mùa thi những năm trước” – GS Hoàng Tụy, một chuyên gia hàng đầu về giáo dục nước nhà, đã nói như vậy khi ông lên tiếng đánh giá về kỳ thi năm nay. Theo chúng tôi đây là một cách nhìn thấu tình đạt lý. Nhiều năm trước, nói chính xác là phải từ hơn chục năm trước, kiến nghị của rất nhiều chuyên gia giáo dục là phải cải cách thi cử. Trong đó, tiêu biểu là kiến nghị của GS Hoàng Tụy và nhiều nhà nghiên cứu giáo dục khác là rất cần kíp phải bỏ bớt 1 kỳ thi. Từ đó, Bộ Giáo dục – Đào tạo triển khai trong nhiều năm liền kỳ thi tích hợp “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) coi như là bước chuẩn bị cho lộ trình tiến tới một kỳ thi quốc gia. Câu nói quen thuộc nhất tại các cuộc họp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng rất quen thuộc trên báo chí mỗi một mùa tuyển sinh suốt một thời gian dài là: Tiến tới một kỳ thi quốc gia.

Kỳ thi Quốc gia 2015 đã đi đúng hướng

Cuối cùng thì đến năm 2015, chúng ta đã tiến tới được đúng như mong mỏi đó. Cả nước chỉ còn một kỳ thi quốc gia. Thay vì một đợt thi mấy ngày để công nhận tốt nghiệp THPT, thay vì 3 đợt thi tiếp theo để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Kỳ thi Quốc gia 2015 chỉ còn lại 1 đợt thi duy nhất (chỉ tiếc là đã diễn ra vào đúng đợt miền Bắc nắng nóng cực điểm, điều này thì hoàn toàn thuộc yếu tố khách quan).

Như vậy, cần phải nhìn vào cái được lớn nhất là chúng ta đã đạt tới được mục tiêu đổi mới giáo dục, trong đó cải cách thi cử được chọn làm đột phá khẩu. Đó là cái được lớn nhất mà cho đến thời điểm này, việc xét tuyển đại học, cao đẳng đang vấp phải một số bất cập thì cũng không vì thế mà sổ tuột sự đổi mới, tiến bộ của cả kỳ thi.

Trong so sánh tương quan với cách thi cử suốt một thời gian dài vừa qua, GS Hoàng Tụy đã đánh giá như sau: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 với hình thức thi cử mới, xét tốt nghiệp có đánh giá cả quá trình học tập của thí sinh ở bậc THPT thể hiện được sự đánh giá toàn diện. Với hình thức thi 3 môn chính Văn, Toán, Ngoại ngữ và một môn tự chọn là rất đúng đắn, tạo điều kiện cho thí sinh phát huy được năng lực và sở trường của mình. Cách thi này phù hợp với tính chất của bậc học THPT, tránh được rủi ro “học tài thi phận”, tránh được các tiêu cực thường xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp kiểu cũ, đồng thời cung cấp thông tin để các trường đại học dựa vào đó tuyển sinh”. Tất nhiên, về kỳ thi năm nay, còn có nhiều ý kiến khác nhau, cũng như còn có những đánh giá khác nhau từ nhiều chuyên gia giáo dục. Cũng như, còn một số vấn đề chưa hợp lý trong cách tổ chức kỳ thi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng ta cần hết sức bình tĩnh để thấy cái được lớn hơn. Đó là lộ trình đổi mới giáo dục đã được khởi động và đang đi đúng hướng.

Đến phần còn lại của kỳ thi năm nay, phần đang tạo ra một làn sóng dư luận: Dùng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Thì đây là con số thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi kết thúc 20 ngày đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đợt 1: Đã có 569.843 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH (so với dự kiến số thí sinh đạt điểm từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với hệ ĐH là 531.182, có thể nói phần lớn số thí sinh đạt điểm trên sàn ĐH, CĐ đã tham gia xét tuyển). Trong số hơn 400 trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, có 108 trường ĐH và 21 trường cao đẳng có số thí sinh đăng ký xét tuyển lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Với tình trạng thí sinh ĐKXT như trên, hàng trăm trường ĐH, CĐ với hơn 350.000 chỉ tiêu sẽ được xét tuyển ngay từ nguyện vọng I (so với năm 2014, chỉ có khoảng 50 trường xét đủ chỉ tiêu ngay từ nguyện vọng I). Có một số trường ĐH ngoài công lập có lượng thí sinh ĐKXT cao. Các trường này đều khẳng định so với kết quả xét tuyển đợt I của năm 2014, kết quả xét tuyển đợt I năm nay đều tốt hơn về số lượng và chất lượng. Số lượt thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 42.975 (chiếm 8,1% tổng số thí sinh ĐKXT đợt 1), trong số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng ĐKXT tại sở GD-ĐT là 11.080, tại các trường ĐH, CĐ là 31.877. Việc thay đổi nguyện vọng ĐKXT chủ yếu tập trung vào khoảng 30 trường có số thí sinh ĐKXT vượt nhiều so với chỉ tiêu.

Về kỳ thi THPT Quốc gia 2015: Bình tĩnh nhìn lạiPhụ huynh ngóng chờ thí sinh.  (Ảnh: Thiện Hoàng)

Nhìn vào những vào số liệu trên, chúng ta cũng có thể thấy về phần quyền lợi của thí sinh có thể thấy là hoàn toàn được bảo đảm, cũng như mỗi thí sinh đều có cửa lựa chọn rộng hơn. Nhưng cũng đồng thời đúng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải nhận trách nhiệm, qua những con số thống kê ở trên nhìn vào đã thấy được nguyên nhân của những lộn xộn và bất cập xảy ra trong những ngày qua. Cũng như trên thực tế đã để xảy ra những vất vả cho thí sinh và phụ huynh. Trong phần nhận trách nhiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận để xảy ra tình trạng: “Một bộ phận thí sính và gia đình căng thẳng, lo lắng trong việc cập nhật thông tin và thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Một bộ phận thí sinh và gia đình phải đi lại tốn kém đã gây nên bức xúc”. Về nguyên nhân, cũng đã lý giải được thấu đáo. Đó là do Bộ đã có các quy định: Cho thí sinh thay đổi nguyện vọng liên tục. Thời gian đăng ký kéo dài 20 ngày. Thí sinh có 4 nguyện vọng để đăng ký xét tuyển trong một trường.

Cần lắng nghe ý kiến của dư luận

Chúng tôi không cho rằng việc tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia từ đầu đến giờ là không có thiếu sót, khuyết điểm. Những bức xúc của dư luận hoàn toàn không phải là vô cớ. Và chúng tôi đồng tình cùng với nhiều ý kiến khác là ngành giáo dục đã nhận trách nhiệm, đã nhận ra đâu là bất cập thì cần nhận trách nhiệm rõ hơn, cụ thể hơn, rút kinh nghiệm và sửa chữa, điều chỉnh thấu đáo hơn. Hơn không phải từ một số hạn chế và thiếu sót của kỳ thi đổi mới lần đầu tiên mà sổ toẹt hết phần được lớn hơn của đổi mới. Cũng như trong việc góp ý kiến với ngành giáo dục, cần những ý kiến khoa học, xây dựng chứ không phải là chửi bới om xòm và văng tục. Nếu cả xã hội người lớn đều dùng những từ ngữ thiếu văn hóa để chỉ trích ngành giáo dục, chúng ta sẽ phải trả những cái giá lớn hơn khi trẻ con nhìn vào, chúng sẽ thấy những bố những mẹ nói về một nền giáo dục bằng những từ ngữ như vậy thì chúng sẽ không còn thái độ đúng đắn khi ở trong nhà trường nữa. Một nền giáo dục được mô tả bằng những lời lẽ thiếu đứng đắn thì trẻ con sẽ thấy đâu cần phải ngồi ở đó để nghe lời thầy cô.

Bộ cần lắng nghe ý kiến của dư luận về các hạn chế và thiếu sót của kỳ thi đổi mới để rút kinh nghiệm, năm sau có một kỳ thi càng tốt hơn. Bộ cần hơn nữa những kế sách khoa học và khả thi từ các chuyên gia giáo dục. Đó nên là thái độ ứng xử lúc này. Đổi mới giáo dục, cải cách thi cử là việc lớn, là động chạm đến mọi gia đình. Đó chưa bao giờ là việc dễ dàng. Không phải chỉ trong giáo dục mà bất cứ lĩnh vực gì đổi mới chưa bao giờ là con đường bằng phẳng không có chông gai, không có vấp ngã và thậm chí cả những trả giá.

Nhưng để đổi mới giáo dục thành công, cần cả một nền tảng đạo đức và ứng xử hình thành trong xã hội, ở bên ngoài nhà trường. Không bao giờ những sự phủ nhận sạch trơn, những lời góp ý thì ít văng tục thì nhiều lại làm cho xã hội trưởng thành hơn, tốt hơn. Sự học, đối với mỗi người đâu phải chỉ trong nhà trường, trẻ sẽ học được gì từ những cách ứng xử như vậy ở các mạng xã hội?

Theo Đại đoàn kết, nguồn: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/ve-ky-thi-thpt-quoc-gia-2015-binh-tinh-nhin-lai/79029