Vấn đề thời sự nào có thể vào đề thi THPT quốc gia?(ảnh minh họa)

TS Trịnh Thu Tuyết – giáo viên dạy Ngữ văn tại Hà Nội chia sẻ: “Có câu Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với tôi. Vì vậy, mọi vấn đề xã hội xung quanh chúng ta đều đáng để học sinh quan tâm, suy nghĩ”.

Tiếp tục triển khai xu hướng đề mở, mới đây, công văn Bộ GD&ĐT gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường – Bộ Quốc phòng, các trường phổ thông hướng dẫn ôn tập đề thi THPT quốc gia 2016 có nội dung: Các môn khoa học xã hội và nhân văn cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội gắn với thời sự quê hương, đất nước.

Theo thầy Trịnh Quỳnh - giáo viên THPT Lương Thế Vinh, Nam Định: Đây không phải yêu cầu hoàn toàn mới vì Bộ GD&ĐT đã tiến hành tổ chức nhiều cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong đời sống từ năm 2014.

Tuy nhiên, khi Bộ GD&ĐT gửi công văn chính thức, vấn đề này càng được chú trọng hơn.

Những chủ đề có thể xuất hiện trong đề Ngữ văn

Thầy Trịnh Quỳnh cho biết, trong hướng dẫn cụ thể về trường THPT, Bộ GD&ĐT đề cập những nội dung thi THPT quốc gia năm 2016 bao gồm: Yêu gia đình, quê hương đất nước; nhân ái, khoan dung; trung thực, tự trọng, chí công vô tư; tự lập, tự tin, tự chủ và có tinh thần vượt khó; có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, đất nước, nhân loại và môi trường tự nhiên; thực hiện nghĩa vụ đạo đức tôn trọng, chấp hành kỷ luật, pháp luật.

Dựa trên cơ sở đó, giáo viên này dự đoán, các vấn đề thời sự xã hội gần đây có thể được đưa vào đề thi như: Trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc giữ gìn chủ quyền đất nước, tình yêu biển đảo và biết ơn những chiến sĩ hải quân; sự hy sinh của những người lính trong trận chiến Gạc Ma; thời cơ thách thức của Việt Nam khi gia nhập TPP; biến đổi khí hậu và ngập mặn ở Nam Bộ; tai nạn giao thông…

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 diễn ra từ ngày 1 đến 4/7, với 8 môn thi : Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ.

Trong đó, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý thi theo hình thức tự luận; các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm; các môn Ngoại ngữ thi viết và trắc nghiệm. Đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn.

Học sinh có thể thường xuyên luyện tập những đề thi phù hợp giới trẻ như: Lời bài hát truyền lửa của nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập; lời của PGS Văn Như Cương khi dặn dò học sinh về người tử tế; chú lính chì Thiện Nhân và câu chuyện chiến công giữa đời thực, thần đồng Đỗ Nhật Nam học tiếng Anh và tiếng Việt…

Thầy Trịnh Quỳnh cho rằng, học sinh luôn phải ghi nhớ “văn học là cuộc sống”. Vì vậy, khi làm văn cần đúc rút những bài học thực tiễn – cũng là yêu cầu cao nhất mà mọi nội dung giáo dục muốn hướng tới.

“Khi phân tích tác phẩm Vợ nhặt, các em cần rút ra vấn đề tình người và sự khát khao sống. Với Rừng xà nu, học sinh nhấn mạnh phẩm chất con người trong cách mạng, tình yêu Tổ quốc. Đề cập Chiếc thuyền ngoài xa, bạn trẻ chú ý về cách nhìn đời, nhìn người toàn diện đa chiều”, thầy Trịnh Quỳnh nêu ví dụ.

Học Lịch sử tránh thuộc lòng

Bên cạnh Ngữ văn, Lịch sử là môn khoa học xã hội dễ có các câu hỏi mở. Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho rằng, nỗi khiếp sợ của thí sinh khi thi môn này là buộc phải nhớ các con số, sự kiện.

Tuy nhiên với cách ra đề như vài năm trở lại đây, đặc biệt với công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, học sinh hoàn toàn yên tâm không phải nhớ máy móc hay thuộc lòng sách giáo khoa.

Thầy Hiếu đánh giá, các môn khoa học xã hội có lợi thế vận dụng kiến thức thực tiễn. Các em cần nắm được những vấn đề nổi cộm qua truyền hình, báo chí, trong đó chú trọng vấn đề liên quan chủ quyền biển đảo, chiến tranh biên giới năm 1979.

Học sinh cũng nên chú ý một số mốc thời gian quan trọng trong năm nay như: Kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946-6/1/2016); 70 năm Bác Hồ soạn thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến...

Đây không phải vấn đề mới nhưng vẫn luôn “nóng” và được dư luận quan tâm. Với những chủ đề này, học sinh có cơ hội thể hiện quan điểm cá nhân.

“Những phần này không chiếm nhiều số điểm nhưng rất quan trọng để phân loại học sinh, nhằm phát hiện các em có năng lực giỏi” – thầy Trần Trung Hiếu nêu quan điểm.

Cũng theo giáo viên trường Phan Bội Châu này, để ôn tập môn Lịch sử hiệu quả, học sinh nên chia theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn giải quyết nội dung cơ bản gì, sự kiện nào cốt lõi, nguyên nhân, hậu quả. Sau đó, các em học cách tư duy xâu chuỗi sự kiện để nêu quan hệ nhân quả.

"Một điều cấm kỵ mà học sinh nên tránh là \'học tủ\', học chuyên đề theo kiểu võ đoán như nội dung này đã ra năm trước năm nay sẽ không ra. Câu hỏi rất dễ nhưng nếu không nắm được kiến thức cơ bản, thí sinh cũng không thể làm được bài", thầy Hiếu nói.


Những đề thi bám sát thời sự gợi cảm hứng

Xu hướng đề thi mang câu hỏi mở không còn xa lạ, được giáo viên, học sinh ủng hộ trong những năm gần đây. Câu hỏi mở không chỉ xuất hiện trong đề bài môn Ngữ văn, mà còn ở môn tiếng Anh, Lịch sử...

Năm 2015, đề thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn đề cập bệnh vô cảm; hình ảnh các chiến sĩ đảo Trường Sa qua những câu thơ của Trần Đăng Khoa:

“Hoàng Sa, Trường Sa
Những quần đảo long lanh như ngọc dát
Nói chẳng đủ đâu, tôi phải hát
Một bài ca bằng nhịp trái tim tôi”.

Với đề thi Toán, nhóm ra đề khéo léo đặt câu hỏi gắn liền thực tiễn - tính xác suất đội phòng chống dịch Mers cơ động. Đề thi tiếng Anh cũng có dịch Mers và hình ảnh Ánh Viên - ấn tượng ở SEA Games 25 trong nội dung bơi bướm nữ 200 m, không đối thủ nào đuổi kịp.

Mùa tuyển sinh 2014, vấn đề Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 tại Hà Nội và thi thử THPT quốc gia.


Theo Zing, nguồn: http://news.zing.vn/van-de-thoi-su-nao-co-the-vao-de-thi-thpt-quoc-gia-post637562.html

Cập nhật các thông tin tuyển sinhtuyển sinh năm 2016điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn