Hà Nội đang ầm ĩ chuyện thi tuyển vào lớp 6 theo hình thức nào. Lúc đầu, ngành Giáo dục Thủ đô cho 3 trường thí điểm thi đánh giá năng lực (kiểm tra chỉ số IQ, EQ). Nhưng sau đó lại rút lại quyết định này. Điều đó càng "thổi bùng" ngọn lửa bức xúc của một số trường và không ít các kênh truyền thông.

Tuyển sinh lớp 6 THPT Hà Nội - Amstecdam: Vì sao không bốc thăm?
Tuyển sinh lớp 6 THPT Hà Nội - Amstecdam: Vì sao không bốc thăm?

Nhưng trong những cơn giận dữ đó, có bao nhiêu người bình tĩnh đặt các câu hỏi: nếu trắc nghiệm IQ, EQ như vậy thì đề thi từ đâu? Việt Nam đã có ai chuyên nghiệp ra các câu IQ, EQ chưa? Liệu các trường có cop nhặt trên mạng các đề thi hay không? Và nếu thế thì việc đánh giá có chính xác không?

Mặt khác, giữa thi IQ, EQ và bốc thăm thì phương án nào nhiều ưu điểm hơn? Dễ thấy ngay là bốc thăm thì sẽ chấm dứt cảnh phụ huynh phải đút lót, chạy chọt để được đưa vào các "suất ngoại giao".

Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Cục Khảo thí, Bộ GD-ĐT cho biết, những nhà quản lý giáo dục của Hàn Quốc đã sang đây và nhắc nhở Việt Nam đừng mắc sai lầm của họ. Nghĩa là nước này đã đổi mới đề thi theo kiểu IQ, EQ...nên học sinh không chú trọng các môn ở trường mà đổ xô ra các trung tâm bên ngoài để luyện thi.

GS Đào Trọng Thi khi tiếp xúc cử tri Hà Nội đã nhận định: “Các cháu ở tiểu học giờ còn không chấm điểm nên nếu thi tuyển vào lớp 6 sẽ không phù hợp. Một số trường đề xuất không thi thì kiểm tra IQ, EQ, thực chất cũng là việc biến tướng của thi cử. Nếu kiểm tra IQ, EQ việc luyện thi càng phức tạp hơn. Luyện văn hóa bố mẹ có thể giúp đỡ con cái ôn luyện. Nếu thi IQ chắc chắn sẽ phải luyện thi, lại đẻ ra một phong trào luyện thi mới".

Bởi vậy, nếu Việt Nam tổ chức thi IQ, EQ thì rất dễ xảy ra tình trạng như vậy - lãnh đạo Sở GD-ĐT đã phân tích cho các phóng viên hiểu.

Như vậy, các vấn đề đã được giải thích rõ ràng. Những phương án thực hiện đã được một số trường phổ biến cho dư luận hiểu trong phiên họp báo hôm qua (20/4) tại Hà Nội.

Tuy nhiên, bài học rút ra là chủ trương đúng thôi chưa đủ. Mà cần phải truyền thông kịp thời đúng đắn, ngành Giáo dục cần có những người phát ngôn, giải thích thấu đáo cho dư luận hiểu và cảm thông.

Theo Chất lượng Việt Nam, tin gốc: http://vietq.vn/tuyen-sinh-vao-lop-6-o-ha-noi-vi-sao-khong-boc-tham-d59993.html

Tuyển sinh, tuyển sinh lớp 6, tuyển sinh 2015