Việc giảm này có nhiều lý do: không cộng điểm nghề, đề thi môn toán được xem là khó. Tuy nhiên, vẫn còn chuyện để dư luận băn khoăn: Dạy học chưa theo kịp thi cử?
> Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2019
> Xem điểm thi lớp 10 năm học 2019 - 2020
Thí sinh sau khi hoàn thành bài thi
Thầy cô chưa đổi mới
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, đề toán năm nay yêu cầu về học thuật không cao. Tuy nhiên, đề thi có tăng cường dạng câu hỏi yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tế.
Trước hết, phải thừa nhận chủ trương tăng cường dạng câu hỏi thực tế như trên là chủ trương đúng đắn, cần được xã hội ủng hộ và ngành giáo dục - đào tạo TP.HCM nên tiếp tục phát huy. Nhưng xã hội cũng không thể không băn khoăn về tỉ lệ 49,62% thí sinh có điểm dưới trung bình môn toán (trong đó có 126 thí sinh bị điểm 0).
Chủ trương đúng nhưng ở các trường THCS, các thầy cô giáo đã giảng dạy như thế nào mà gần 50% học sinh nhận điểm dưới trung bình? Có phải việc dạy và học trong trường phổ thông chưa theo kịp với việc đổi mới cách ra đề thi?
Ông Hiếu thẳng thắn thừa nhận nhiều giáo viên vẫn chưa chịu đổi mới, vẫn dạy theo cách cũ, rập khuôn và máy móc nên khi học sinh gặp bài toán thực tế thì lúng túng, không làm được. Đây không phải là năm đầu tiên đề thi toán đổi mới.
"Việc đưa bài toán thực tế vào đề thi sở đã thực hiện từng bước một từ nhiều năm nay. Việc này chúng tôi cũng đã tập huấn, đã thông báo rất kỹ trong các buổi họp chuyên môn" - ông Hiếu nói.
Trong buổi họp báo về kết quả thi lớp 10 năm 2019 tại TP.HCM, ông Hiếu từng phát biểu: "Nếu các thầy cô giáo không đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh sẽ rất thiệt thòi trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10".
3 điểm/môn cũng thi đậu lớp 10?
Nhìn chung trong mùa tuyển sinh năm nay, đa số các trường ở nội thành đều giảm điểm chuẩn với những lý do như đã nói ở trên. Nhưng hàng loạt trường THPT ở ngoại thành như các huyện Hóc Môn, Nhà Bè đều có điểm chuẩn tăng 0,25-2 điểm so với năm ngoái như: Nguyễn Hữu Cầu, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Hữu Tiến, Phạm Văn Sáng, Long Thới, Dương Văn Dương...
Ông Nguyễn Văn Hiếu nhận định: "Nguyên nhân tăng điểm chuẩn là các khu vực của những trường trên có tốc độ tăng dân số khá nhanh, số lượng học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 cao. Ngoài ra, việc dạy học trong trường THCS khu vực đó cũng đang có những đổi mới tích cực".
Năm nay, top 10 trường THPT có điểm chuẩn nguyện vọng 1 cao nhất TP là: Nguyễn Thượng Hiền (37,5), trung học Thực hành - ĐH Sư phạm TP.HCM (36,75), Nguyễn Thị Minh Khai (36,25), Gia Định (35,75), Trần Phú (35,25), Lê Quý Đôn (34,5), Bùi Thị Xuân (34,25), Phú Nhuận (34,25), Nguyễn Hữu Huân (34), Nguyễn Hữu Cầu (34).
Tuy nhiên, xem danh sách thấy những trường có điểm chuẩn thấp nhất TP thì thật đáng buồn: Trường THPT An Nghĩa (Cần Giờ) 15 điểm, Trường THPT Phong Phú (Bình Chánh) 15 điểm, Trường THPT Cần Thạnh (Cần Giờ) 15,5 điểm, Trường THPT Bình Khánh (Cần Giờ) 15,75, Trường THPT Đa Phước (Bình Chánh) 16,75, Trường THPT Nguyễn Văn Tăng (Q.9) 16,75...
Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt từ 3-3,5 điểm mỗi môn thi là có thể đậu vào lớp 10 công lập (điểm chuẩn là tổng điểm 3 bài thi toán, văn, ngoại ngữ; trong đó điểm bài thi văn và toán hệ số 2, điểm bài thi ngoại ngữ hệ số 1 và điểm ưu tiên - nếu có).
Về tình hình này, một giáo viên THPT ở Bình Chánh chia sẻ: "Những học sinh chỉ đạt 3-4 điểm/môn thi thì vào bậc THPT các em học rất trầy trật và khó khăn. Lúc ấy, gánh nặng cùng những áp lực không tên đổ hết cho giáo viên. Chúng tôi phải vừa dạy vừa dỗ, vừa kèm cặp vì nhiều em học yếu, mất căn bản nên mất tự tin, chán học...".
Giáo viên này mong ước: "Khi nào điểm chuẩn vào lớp 10 công lập phải đạt từ 25 điểm trở lên, tức là mỗi môn thi thí sinh phải đạt từ 5 điểm trở lên thì giáo viên chúng tôi mới đỡ cực. Và khi ấy, công tác phân luồng học sinh sau THCS mới có thể gọi là thành công".
Theo Tuổi trẻ