Năm học 2015 – 2016 sắp kết thúc, đây cũng là thời điểm các trường bắt đầu công tác tuyển sinh đầu cấp. Đến thời điểm này, nhiều trường ở Hà Nội vẫn “nằm im” chưa dám tuyển sinh mà chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT.

Tại trường PTDL Lương Thế Vinh, khi được hỏi về hình thức tuyển sinh năm nay như thế nào, cô Văn Thùy Dương, Phó hiệu trưởng nhà trường tỏ ra khá lúng túng và cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin tuyển sinh chính thức. “Trường vẫn đang chờ vì “nghe nói” năm nay học sinh được đăng ký tuyển sinh online”. Ngay sau đó, cô Dương đã bốc điện thoại hỏi thông tin từ một số trường và cán bộ của Sở GD-ĐT nhưng đều nhận được câu trả lời rất mơ hồ “Hình như vẫn giống năm trước”. Cô Dương cho biết, có lẽ phải sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 mới có thông tin chính thức về việc tuyển sinh đầu cấp vào trường Lương Thế Vinh.

Tuyển sinh đầu cấp: Hà Nội vẫn "nằm im" chờ... hướng dẫnHọc sinh trường Lương Thế Vinh. (nguồn: internet)

Đến thời điểm này, nhiều trường vẫn "án binh bất động". Tuy nhiên, từ sau Tết nguyên đán nhiều trường đã khởi động chiến dịch tuyển sinh năm học 2016-2017 và bắt đầu tuyển sinh từ cuối tháng 3 đầu tháng 4.

Còn tại trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường tôi khi có quy định của bộ và sở không được thi tuyển vào các lớp đầu cấp chúng tôi thực hiện đúng quy định này. Nhưng do đặc trưng của trường là tư nhân, trường có nhu cầu của phụ huynh rất đông, thường gấp đôi, ba khả năng nhà trường có thể đáp ứng nên nếu không được thi tuyển cũng là một cái khó”.

Cũng giống trường Lương Thế Vinh, trường Đoàn Thị Điểm là ngoài công lập nên không tuyển sinh theo tuyến. Các trường này ngoài tuyển sinh trong toàn thành phố, thậm chí còn có cả học sinh ở tỉnh khác có bố mẹ công tác tại Hà Nội…

Nhiều trường ngoài công lập không phải là trường chuyên biệt mà là trường chất lượng cao của Hà Nội, thu hút rất đông sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Ví dụ như năm học 2015-2016, có 3.000 hồ sơ gửi về THCS Lương Thế Vinh (Hà Nội) để xét vào lớp 6, trong số này có đến 1.000 em đạt điểm tối đa trong 5 năm tiểu học, trong khi chỉ tiêu là 600. Đứng trước “bài toán khó” này, GS Văn Như Cương lúc đó cho biết nhà trường khá bối rối, xin ý kiến Sở GD-ĐT Hà Nội nhưng cũng không có giải pháp nào được đưa ra mà vẫn phải thực hiện đúng chỉ đạo là không được thi. Cuối cùng, nhà trường phải đưa ra các tiêu chí như có các giải trong các kỳ thi sẽ được ưu tiên hơn. Và một “đòn” tâm lý nữa là càng gần tới hạn chót thì nhiều người sốt ruột, không đủ kiên nhẫn và lòng tin nên đã tự bỏ đi!

Các trường ngoài công lập, ngoài việc phải đảm bảo các chương trình dạy học của Bộ ban hành thì còn phải quan tâm đến yếu tố cạnh tranh, đó chính là chất lượng đào tạo. Chính vì vậy, lựa chọn học sinh đầu vào đối với họ là vô cùng quan trọng. Bởi thực tế, nhiều em học sinh được “làm đẹp” học bạ.

Cô Văn Thùy Dương cho biết, thực tế có những em học sinh hồ sơ rất đẹp, đạt 100 điểm trong 5 năm học nhưng khi vào trường lại không theo học được. Đã có những học sinh phải “lặng lẽ” rút lui trong năm học. Như vậy lại mất cơ hội của những bạn có năng lực hơn.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Hiền, để đảm bảo sự công bằng cho học sinh (vì quá nhiều học sinh xin vào mà chỉ đảm bảo cho 1 số lượng nhất định thôi) chúng tôi sẽ tổ chức xét tuyển bằng hình thức phỏng vấn và tôi cho rằng đây là hình thức để đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai về tuyển sinh.

“Trường chúng tôi là ngoài công lập nên việc công bằng trong công tác tuyển sinh cũng như là 1 điều kiện để nâng cao uy tín của nhà trường và cũng là đặc điểm của trường chất lượng cao” – cô Hiền nói.

Ngoài ra, theo lời khuyên của cô Nguyễn Thị Hiền, nhu cầu phụ huynh cho con vào trường cao là một niềm ao ước “nhưng tôi cũng thành thật khuyên phụ huynh là nên cho con học ở những trường gần nhà để đảm bảo sức khỏe cho các con, bởi ở môi trường nào cũng có thầy tốt, lớp tốt chứ không phải chỉ tập trung vào 1 số trường để làm cho các trường đó thật sự quá tải”.

Các thầy cô của trường ngoài công lập mong muốn, nếu không được thi tuyển mà tuyển sinh bằng xét tuyển thì được phỏng vấn, được biết mặt học trò. Qua những câu chuyện, nói chuyện với học trò thì thầy cô cũng biết được phần nào các con có năng lực học ở trường chất lượng cao hay không”./.

Theo VOV, nguồn: http://vov.vn/tin-24h/tuyen-sinh-dau-cap-ha-noi-van-nam-im-cho-huong-dan-505106.vov