Kết quả có được bảo lưu?
Đầu tháng 1-2015, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố có thay đổi lịch thi trong phương án tuyển sinh riêng của nhà trường. Theo đó, nhà trường sẽ tổ chức thi tuyển 2 đợt vào tháng 5 và tháng 8, thay vì tháng 5 và tháng 7 như kế hoạch trước đó. Sự thay đổi này, theo nhà trường, là do kỳ thi của Bộ GD-ĐT cũng diễn ra vào tháng 7. Ngoài điểm thi Hà Nội, dự kiến ĐH Quốc gia Hà Nội còn có một số điểm thi tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng… Với phương thức thi đánh giá năng lực bằng đề thi trắc nghiệm, nhà trường sẽ công bố điểm sau khi thi 3 ngày.
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi đại học năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu
Đáng chú ý, theo phương án tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, kết quả thi của TS vào trường có giá trị trong 2 năm. Ngay cả nếu năm nay TS không đỗ vào ngành đã đăng ký thì vẫn có thể dùng kết quả để đăng ký xét tuyển vào các ngành học của năm sau. Trong khi đó, dự thảo quy chế tuyển sinh mới Bộ GD-ĐT lại không đề cập việc bảo lưu kết quả cho TS như các năm trước. Nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên bổ sung trở lại quy định bảo lưu này vào dự thảo quy chế.
Ngoài ĐH quốc gia có phương án tuyển sinh gần như độc lập với kỳ thi chung do Bộ GD-ĐT tổ chức, Trường ĐH KH&CN Hà Nội (Trường ĐH Việt - Pháp) cũng có nhiều điểm khác trong kế hoạch tuyển sinh so với đa số trường công lập. Trường chỉ tuyển sinh những đối tượng đã tốt nghiệp THPT với kết quả học lực từ khá trở lên và phải có khả năng sử dụng tiếng Anh trong học tập. Nhà trường cho biết sẽ có 4 đợt tuyển sinh, trong đó, đợt thứ nhất hiện đã tiến hành nhận hồ sơ, bắt đầu từ ngày 1-12-2014 tới hết ngày 11-2-2015; thời gian phỏng vấn vào tháng 2 và 3-2015; ba đợt còn lại diễn ra tới tháng 9-2015.
Năm nay, nhiều trường nhóm trên cho biết sẽ có hình thức sơ tuyển để lược bớt hồ sơ ngay từ đầu. Trường ĐH Ngoại thương và Học viện Ngân hàng chỉ nhận hồ sơ của TS có điểm trung bình chung cả 2 năm THPT từ 6,5 trở lên. Trường ĐH Y Hà Nội đưa ra tiêu chí tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (6 học kỳ với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước) của các môn toán, hóa, sinh phải từ 7 điểm trở lên với hệ bác sĩ và 6 điểm trở lên với hệ cử nhân. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội duy trì điều kiện sơ tuyển áp dụng từ năm 2014: Tổng điểm trung bình 6 học kỳ của 3 môn thi tương ứng với từng ngành phải trên 20 điểm. Trường ĐH Y Thái Bình cũng yêu cầu tổng điểm trung bình 5 học kỳ của 3 môn toán, hóa, sinh phải trên 19,5.
Thi ngữ văn bằng câu hỏi trắc nghiệm
Đến thời điểm này, không có nhiều trường yêu cầu TS làm thêm bài thi riêng như là một điều kiện xét tuyển. Ở khu vực phía Bắc, Học viện Báo chí và tuyên truyền cho biết sẽ kiểm tra thêm khả năng viết luận của TS. Còn TS thi Trường ĐH KH&CN Hà Nội "có" thêm vòng phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh sau khi hồ sơ lọt qua vòng sơ tuyển. Ở phía Nam, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh vẫn quyết tâm thực hiện bài kiểm tra năng lực. Bài kiểm tra này có phần trắc nghiệm và tự luận, chủ yếu để đánh giá thí sinh về kỹ năng ngôn ngữ, kiến thức tổng hợp, kỹ năng cuộc sống.
Trong khi một số trường, với đặc thù đào tạo, coi việc viết bài luận là một phần thi giúp nâng cao chất lượng đầu vào, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội lại hoàn toàn không có phần tự luận, kể cả với đề thi môn ngữ văn. Điều này khiến dư luận e ngại rằng kết quả sẽ không đánh giá chính xác và đầy đủ được kỹ năng viết, văn phong và khả năng cảm thụ của TS.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn cũng chia sẻ phần nào băn khoăn nói trên nhưng theo ông, TS dự thi vào ĐH Quốc gia Hà Nội ngoài bài đánh giá năng lực đó của trường, vẫn phải hoàn thành kỳ thi THPT như TS các trường khác (tức là có thi môn bắt buộc là ngữ văn). Mà TS các trường khác, dù vào ngành khoa học xã hội cũng chỉ phải làm các bài thi thuộc kỳ thi đó mà thôi. Nhà trường không muốn tăng thêm gánh nặng cho TS nên tạm thời không có phần tự luận trong đề thi. Bên cạnh đó, bài thi dù có hình thức trắc nghiệm, vẫn có nội dung để đánh giá được năng lực cảm xúc, thẩm mỹ, tư duy hình tượng… cần thiết cho người học một số ngành khoa học xã hội và nhân văn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận rằng, việc kết hợp bài thi luận sẽ giúp đánh giá TS toàn diện và đầy đủ hơn. Về lâu dài, khi TS chỉ cần làm bài thi do nhà trường đưa ra, nhà trường có thể áp dụng bài thi chuyên biệt phù hợp hơn với từng ngành hay chuyên ngành.
>>Sẽ ban hành quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ vào đầu tháng 2
Báo Hà Nội Mới, http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/734263/tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-luu-y-quy-dinh-rieng