Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016: Đừng chọn nghề theo tên!

Không nên chọn nghề theo tên gọi

Có kinh nghiệm làm công tác tư vấn tâm lý trước mùa tuyển sinh trong nhiều năm, thầy Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng Khoa công tác thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ, có rất nhiều thí sinh lựa chọn nghề nghiệp theo cảm tính chứ không cân nhắc kỹ, các em chỉ biết tên nghề nói chung mà không tìm hiểu sâu từng lĩnh vực nên khả năng thất bại là rất cao.

Lý giải nhận định này, thầy Hà đưa ra ví dụ cụ thể: "Nhiều em đặt câu hỏi "Để trở thành bác sỹ, em cần có tính cách và phẩm chất gì?". Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa có sự tìm hiểu sâu sắc. Sẽ có nhiều chuyên khoa như đa khoa, nội khoa, ngoại khoa, nhi, chẩn đoán... Mỗi công việc có yêu cầu riêng, ví dụ như bác sỹ nhi cần kỹ năng giao tiếp tốt vì bệnh nhân là trẻ em, bác sỹ ngoại khoa cần nghiệp vụ về phẫu thuật, có tư duy và tiết chế cảm xúc,... Vì vậy, muốn tìm hiểu ngành nghề thì cần biết chuyên môn ngành nghề đó như thế nào, có phù hợp với bản thân không chứ không nên chỉ nhìn vào tên mà lựa chọn".

Tuyển sinh Đại học, cao đẳng 2016: Đừng chọn nghề theo tên!TS Phạm Mạnh Hà trong buổi tư vấn hướng nghiệp trước kỳ tuyển sinh 2016.

Bên cạnh đó, thầy Hà cũng đặt ra câu hỏi: "Khi chọn nghề, nên căn cứ vào số lượng hồ sơ nộp vào trường, tỷ lệ chọi của trường mình quan tâm hay thông tin tuyển dụng thực tế? Có chắc các trường lấy điểm đầu vào 28, 29 điểm thì khi ra trường, các em sẽ dễ xin việc hơn?".

Theo thầy Hà, thí sinh nên tìm hiểu các trang tuyển dụng để biết được nhu cầu sử dụng lao động của từng ngành nghề, từ đó sẽ có hướng đi đúng đắn. Ngoài ra, thầy cũng chỉ ra thực tế, không ít trường đào tạo ngành với tên “kêu” để thu hút thí sinh. Vì thế, các em nên tham khảo các website tuyển dụng để đối chiếu với việc đào tạo của trường xem có trùng khớp, liên quan hay không.

Không chọn nghề theo sở thích tâm lý và giải trí

Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh 2016 tại Hà Nội, thầy Phạm Mạnh Hà cũng nhấn mạnh, không nên chọn nghề dựa vào ý thích nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân. "Các em không nên có suy nghĩ như: chọn trường kinh tế vì có nhiều bạn xinh, chọn nghề công nghệ thông tin vì thích chơi game hoặc thích đi chơi mà chọn ngành du lịch. Khi làm việc, phải bỏ qua cảm xúc yêu, ghét cá nhân và đặt trách nhiệm lên hàng đầu", thầy Hà cho biết.


Theo VTV, nguồn: http://vtv.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-2016-dung-chon-nghe-theo-ten-20160403215811608.htm


Xem thêm các thông tin tuyển sinh, điểm thi tốt nghiệp 2016 tại kenhtuyensinh.vn