Năm học 2017-2018, Hà Nội dự kiến tuyển 105.000 trẻ vào lớp nhà trẻ, 452.000 học sinh vào lớp mẫu giáo, 145.000 học sinh vào lớp 1 và 109.300 học sinh vào lớp 6 THCS.
Những điểm nóng mới
Nếu như vài năm trước, tình trạng quá tải tuyển sinh đầu cấp tập trung ở các quận nội thành như Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy thì nay tình trạng này dịch ra các quận mới, huyện ngoại thành, những nơi có nhiều chung cư, khu công nghiệp.
Trao đổi về tuyển sinh đầu cấp cho năm học tới, bà Phạm Thị Thu Huyền, phó chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, cho biết riêng khối mầm non, huyện Thanh Trì tăng 6.632 trẻ, tiểu học tăng hơn 500 học sinh so với năm học trước.
Tại Trường tiểu học Tả Thanh Oai (Thanh Trì), theo kế hoạch có 12 lớp 1, nhưng hiện đã có trên 900 học sinh thuộc diện KT1 (có hộ khẩu thường trú - PV), KT2 (hộ khẩu thường trú quận huyện khác, nhưng đang cư trú thực tế tại địa bàn - PV) đăng ký.
“Chỉ với số học sinh đăng ký trong diện trên thì trung bình Trường tiểu học Tả Thanh Oai sẽ có hơn 80 học sinh/lớp” - bà Huyền lo lắng.
Tình trạng tương tự ở các quận Long Biên, Cầu Giấy... Tại Cầu Giấy, khoảng hai năm qua địa phương đã rất nỗ lực trong việc mở thêm trường, tăng diện tích lớp học nhưng vẫn chưa hạ được độ nóng trong các mùa tuyển sinh, tình trạng 50-60 học sinh/lớp vẫn tái diễn ở một số trường điểm.
Ở bậc mầm non, quận Cầu Giấy có trên 100 nhóm, lớp tư thục. Ở quận Hoàng Mai, số nhóm, lớp tư thục lên tới 300-400! Nguyên do của việc gia tăng nhóm, lớp nhỏ lẻ này là thiếu trường, thiếu chỗ học.
Tình trạng thiếu chỗ học không chỉ ở các bậc học thấp, mà với bậc THPT cũng căng thẳng ở một số nơi.
Tại huyện Thường Tín, bà Lê Thị Liễu, phó chủ tịch UBND huyện, cho biết huyện vừa có 3.214 học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS, chưa kể số thí sinh tự do. Nhưng chỉ tiêu vào lớp 10 năm nay là 2.230 chỉ tiêu.
Trong khi đó, huyện chỉ có một chi nhánh của một trường THPT ngoài công lập, một trung tâm giáo dục thường xuyên.
“Hai cơ sở này chỉ “gánh” thêm khoảng 300 học sinh nữa” - bà Liễu cho hay. Thiếu chỗ học, khá nhiều học sinh của huyện này đã phải di chuyển sang học ở các trường của tỉnh Hà Nam.
Thiếu trên 300 trường học
Ông Lê Ngọc Quang, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết Hà Nội hiện có 2.669 trường học, với gần 1,9 triệu học sinh.
Thực hiện quy hoạch giáo dục giai đoạn 2011-2015, thành phố đã đạt được nhiều kết quả như mạng lưới trường, lớp được mở rộng; cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học, xã hội hóa giáo dục có nhiều bước chuyển biến, huy động được các nguồn lực đầu tư, phát triển giáo dục.
Tuy nhiên, bước vào giai đoạn 2016-2020, tổng số các trường mầm non và phổ thông vẫn còn thiếu 314 trường công lập; trong đó, thiếu nhiều nhất tập trung vào khối mầm non công lập với 166 trường đến năm 2020, khối tiểu học thiếu 76 trường, khối THCS thiếu 55 trường.
Theo ý kiến của đoàn giám sát HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân của việc “trường học xây mới không đuổi kịp sự gia tăng số học sinh” là tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Nhiều dự án xây dựng lớn được triển khai, kéo theo là gia tăng dân số. Trong khi các chủ đầu tư không thực hiện cam kết xây trường học trong khu đô thị mới.
Ông Ngô Văn Quý, phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết đầu tư của Hà Nội cho trường học từ năm 2011 đến nay đã xấp xỉ 28.000 tỉ đồng, chưa kể nguồn xã hội hóa với trên 800 trường học được sửa chữa, nâng cấp, 250 trường học được xây mới. Tuy nhiên, do dân số tăng nhanh nên tình trạng thiếu trường, lớp vẫn xảy ra ở một số nơi.
“Chia bình quân, số học sinh tăng là 400.000 cho 250 trường xây mới, với quy mô 17 lớp/trường thì chưa thể đáp ứng được yêu cầu” - ông Quý nhận xét.
Trong cuộc họp về tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, ông Ngô Văn Quý đặt ra: phải xây dựng lộ trình thực hiện thêm trường lớp mới, giải quyết dần tình trạng quá tải ở các cấp học do thiếu trường, lớp.
Tuyển sinh chủ yếu bằng hình thức trực tuyến
Năm thứ hai áp dụng đăng ký tuyển sinh trực tuyến, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các quận, huyện chỉ đạo các trường chuẩn bị tốt điều kiện về nhân lực, máy móc để sẵn sàng hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
Học sinh trong diện tuyển sinh đầu cấp sẽ được cung cấp mã số để truy cập vào phần mềm đăng ký tuyển sinh, và điền thông tin dự tuyển vào các trường theo tuyến được quy định.
Việc tuyển sinh theo hình thức trực tuyến bắt đầu từ ngày 15-6 đến 30-6. Sau đó các trường sẽ tiếp tục tuyển sinh trực tiếp với các trường hợp bổ sung, từ 1-7 đến 15-7.
Theo Báo Tuổi Trẻ.