Trong kỳ tuyển sinh 2022, một số trường tư thục cũng dự kiến vừa xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả thi do các trường đại học uy tín tổ chức.
Năm 2022, Đại học Hà Nội sẽ tuyển sinh theo ba phương thức tương tự năm ngoái, gồm: xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (5% chỉ tiêu), xét kết hợp theo quy định của trường (45%), xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).
Điểm mới so với năm 2021 là ở phương thức xét tuyển kết hợp, trường dành 15% chỉ tiêu xét chọn các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM và kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều này mở ra nhiều cơ hội hơn cho thí sinh nếu tham gia các kỳ thi riêng do ba trường tổ chức, bên cạnh thi tốt nghiệp THPT.
Đại học Công nghiệp Hà Nội sẽ tuyển 7.120 chỉ tiêu cho 41 ngành đã có và tuyển mới ngành Công nghệ đa phương tiện. Ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ, dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, chứng chỉ quốc tế như năm 2021, nhà trường dự kiến bổ sung xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Tỷ lệ chỉ tiêu cho mỗi kỳ thi đánh giá là 10% và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 60%.
Đại học Công nghệ Giao thông vận tải dành 20-40% trong số 3.000 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả hai kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội và Bách khoa. Trường không đưa ra mức điểm sàn xét tuyển mà sẽ xét theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Ngoài ra, trường vẫn sử dụng một số phương thức như xét tuyển thẳng kết hợp, dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ.
Các trường Đại học sử dụng phương thức tuyển sinh kết hợp
Không chỉ các trường công lập, một số trường tư thục cũng dự kiến vừa xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, vừa sử dụng kết quả thi do các trường đại học uy tín tổ chức.
Đại học Phenikaa xét tuyển bằng năm phương thức gồm: xét tuyển thẳng (5-10%), dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (50-60%), kết quả học tập bậc THPT (20-40%), kết quả học tập THPT kết hợp phỏng vấn (5-10%) và kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (5-10%). Trong quá trình triển khai, trường sẽ xem xét và điều chỉnh linh động tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức cho phù hợp với thực tế.
Đại học Hòa Bình cũng xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các đại học bên cạnh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Trường còn có phương thức xét tuyển kết hợp học bạ với kết quả kiểm tra đánh giá năng lực do trường tổ chức cho các ngành thuộc khối sức khỏe.
Năm 2022, Đại học Quốc gia và Đại học Bách khoa Hà Nội cùng mở rộng quy mô tổ chức kỳ thi riêng. Trong đó, kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến thu hút 70.000-90.000 thí sinh tham dự và phải chia làm 16 đợt. Hơn 50 đại học sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển.
Kỳ thi đánh giá tư duy của trường Bách khoa được tổ chức ở 5 địa điểm thay vì chỉ một như trong năm đầu tiên (2020). Hơn 15 trường có phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi này.
> Tuyển sinh 2022: Đại học Đà Nẵng dự kiến tuyển 14.550 sinh viên
> Đại học Huế công bố phương án tuyển sinh 2022
Theo VnExpress