Tại sao bạn chọn sai ngành, nghề?

Thời hạn nộp hồ sơ đang cận kề, thế nhưng, rất nhiều bạn thí sinh vẫn băn khoăn trước một câu hỏi lớn: Ngành nào thực sự phù hợp với bản thân mình?

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, nhận định: “Còn chưa tới 2 tuần hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nhưng nhiều học sinh vẫn chưa biết chọn ngành nào để thi. Thậm chí, có những học sinh phân vân giữa 2 ngành hoàn toàn khác nhau. Điều này cho thấy rõ ràng học sinh chưa định hướng được nghề nghiệp của mình - một việc đáng ra phải làm từ bậc THCS”.

Tư vấn tuyển sinh: Ngành nào phù hợp với bạn?

Tư vấn tuyển sinh: Ngành nào phù hợp với bạn?

Ngoài những thí sinh chuẩn bị tốt nghiệp THPT đang băn khoăn về việc chọn ngành, nghề cho bản thân còn có một số sinh viên năm nhất thậm chí là tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhận ra bản thân không phù hợp với ngành, nghề đã chọn.

Điển hình như bạn Hoàng Thúy N, sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bình Dương. Khi tốt nghiệp ra trường và xin được việc làm đúng ngành, N mới nhận ra mình không phù hợp với môi trường “ngồi một chỗ”. N ngậm ngùi làm hồ sơ thi lại đại học, cao đẳng 2013. Như vậy, nếu được định hướng nghề nghiệp ngay từ ban đầu, N đã không mất thời gian đèn sách 4 năm và rất nhiều lãng phí về thời gian, tiền bạc…

PGS-TS Nguyễn Thuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mở TP.HCM, cho biết: “Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng trong số nhiều sinh viên sau khi học năm thứ nhất bỏ học có nguyên nhân chưa chọn đúng ngành học yêu thích. Chọn lựa sai lầm này có thể xuất phát từ nguyên nhân khách quan là rớt nguyện vọng vào ngành đăng ký dự thi nên phải theo học một ngành có thể trúng tuyển. Cũng có thể là nguyên nhân chủ quan do chưa định hướng đúng về sở thích và khả năng với ngành chọn học” ( Xem diem thi dai hoc tại đây ).

Chọn nghề: đam mê hay phù hợp?

Thạc sĩ Nguyễn Phước Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM, nhắn nhủ: “Vào đại học là điều mong muốn nhất, nhưng nếu vào đại học với ngành không phù hợp thì chọn học ngành đó ở bậc thấp hơn vẫn tốt hơn. Quan trọng là tìm đúng ngành học, bậc học phù hợp với khả năng, học xong có thể làm việc tự nuôi sống bản thân rồi học thêm sau này. Học tập là một hành trình suốt cuộc đời, không chỉ giới hạn mấy năm đại học, cao đẳng”.

Với những học sinh bậc phổ thông, tiến sĩ Trần Đình Lý đưa ra lời khuyên: “Các em cần phân biệt giữa sở thích và khả năng khi chọn ngành. Chẳng hạn, em có thể rất thích công việc kế toán, học rất giỏi toán và có khả năng thi đỗ ngành này. Nhưng nếu tính cách em cẩu thả, không cẩn thận thì việc theo đuổi ngành này là không phù hợp. Khi đó, học có thể vẫn tốt nhưng sẽ gặp không ít khó khăn trong công việc sau này”. Mặt khác, tiến sĩ Lý cũng cho rằng: “Không chỉ trường học, bản thân học sinh cũng có thể chủ động hoàn toàn trong việc hướng nghiệp. Để biết bản thân hợp với ngành gì, học sinh cần trải qua các bước trắc nghiệm một cách trung thực nhất”.