Trường kinh doanh - công nghệ dạy y dược: mỗi bộ nói một kiểuTrường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vừa được cho phép mở hai ngành y và dược - Ảnh từ trang web của Trường đại học Kinh doanh và công nghệ

Bộ Y tế nói chỉ ủng hộ với điều kiện sau khi “trường phải hoàn thiện các nội dung đã góp ý”...

Câu chuyện Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ được phép tuyển sinh đào tạo bác sĩ đa khoa đã nóng bỏng ở Bộ Y tế sáng 26-11.

Theo ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Bộ Y tế, hôm 5-10 ông đã tham gia đoàn thẩm định của Bộ GD-ĐT tại cơ sở Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội dự định sử dụng để đào tạo y khoa.

“Trường cung cấp danh sách 47 giảng viên cơ hữu chuyên ngành, nhưng chỉ có 17/47 người có cam kết, mà yêu cầu tối thiểu phải 1/2 trong danh sách giảng viên cơ hữu có cam kết làm việc với nhà trường. Đào tạo y khoa cũng yêu cầu có cơ sở thực hành ngoài trường thì trường chưa chứng minh được như công bố là có cơ sở thực hành ngoài trường cho sinh viên. Chưa kể yêu cầu về cơ sở thực hành tại trường cũng cần hoàn thiện” - ông Lợi cho biết.

Ủng hộ có hai nghĩa?

Những yêu cầu này, theo ông Lợi, đã được đoàn thẩm định thống nhất trong biên bản ngày 5-10, và ngày 17-11 Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu “trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành”, nhưng hai ngày sau Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo bác sĩ đa khoa. Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng chưa thông báo tới Bộ Y tế việc trường đã hoàn thiện theo yêu cầu của đoàn thẩm định hay chưa.

Điều đáng nói, trước thực trạng các trường ĐH đa ngành trong và ngoài công lập liên tiếp mở mã ngành đào tạo y dược, trong khi đây là ngành đào tạo đặc thù, có nhiều yêu cầu khắt khe về mặt bằng tuyển sinh (hiện đã có 10 trường gồm ĐH Ban Mê Thuột, ĐH Tân Tạo, ĐH Duy Tân, ĐH Thành Đô, ĐH Trà Vinh... được đào tạo y dược), nên cách đây hai năm Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT không mở mã ngành đào tạo y dược tại các cơ sở không đủ năng lực, nhất là các cơ sở đào tạo đa ngành không chuyên về y dược.

Tháng 12-2014, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn tạm dừng mở ngành đào tạo y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt trình độ ĐH và ngành dược học trình độ CĐ, ĐH.

Trước thông tin Bộ Y tế cho rằng đã từng khuyến cáo việc mở ngành y đa khoa, dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết tháng 10-2015, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đoàn thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế mở hai ngành đào tạo này của nhà trường. Đoàn thẩm định ủng hộ nhà trường mở mới hai ngành này sau khi bổ sung đầy đủ các minh chứng và hoàn thiện hồ sơ mở ngành.

Trong đó, việc bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành được đoàn thẩm định yêu cầu “nhà trường thực hiện để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo”.

Theo bà Phụng, như vậy với năng lực đội ngũ, trang thiết bị hiện tại, trường đủ đáp ứng cho những năm đầu mở ngành. Việc bổ sung các điều kiện khác như yêu cầu của đoàn thẩm định sẽ được thực hiện trong những năm tiếp theo. Vì vậy, cùng với công văn ủng hộ của Bộ Y tế ký ngày 17-11, đến ngày 19-11 Bộ GD-ĐT mới ra quyết định cho phép trường mở mới hai ngành này.

Trường kinh doanh - công nghệ dạy y dược: mỗi bộ nói một kiểuTrường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - Ảnh: Nam Trần

Sẽ kiểm tra, giám sát

“Việc cho phép mở ngành chỉ để xác nhận trường đủ điều kiện mở ngành đào tạo mới, còn với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục, Bộ GD-ĐT vẫn sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường ĐH hằng năm theo đúng lộ trình đào tạo. Bất cứ trường ĐH nào trong quá trình đào tạo nếu không đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định” - bà Phụng nói.

Dư luận cho rằng Bộ GD-ĐT vừa có công văn tạm dừng mở mới đào tạo ngành y đa khoa, dược học trình độ ĐH ở các trường đa ngành vào tháng 12-2014, nhưng nay lại đột ngột cho phép một trường đa ngành ngoài công lập được mở ngành, có phải công văn tạm dừng mở ngành y dược một năm trước của Bộ GD-ĐT đương nhiên hết hiệu lực? Liệu đây có tạo ra tiền lệ để một loạt các trường chuyên về kinh tế, công nghệ khác cả công lập và ngoài công lập có nhu cầu mở ngành y dược cũng sẽ được chấp nhận?

Trước lo ngại trên, bà Phụng cho biết Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội đã trình hồ sơ mở ngành y - dược từ trước khi bộ ra công văn tạm dừng mở mới hai ngành này ở trường đa ngành và kiên trì bổ sung các điều kiện đảm bảo chất lượng trong suốt ba năm qua.

Theo bà Phụng, hiện tại để đào tạo ngành y - dược, các cơ sở giáo dục ĐH phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành rất lớn.

Những năm gần đây, Nhà nước cũng không còn đầu tư để các trường công lập mở mới hai ngành này mà việc phát triển đào tạo ngành y - dược chủ yếu tập trung được đầu tư ở các trường ngoài công lập, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài theo xu hướng xã hội hóa, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chuyên môn, phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành này là Bộ Y tế khi thẩm định điều kiện mở ngành cũng như trước khi có quyết định cho phép mở ngành.

* Ông Trần Ngọc Lương (giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương):

Sẽ có một thế hệ bác sĩ ra trường chẳng biết làm gì!

Nếu cứ mở rộng đào tạo bác sĩ như thế này, tôi rất lo ngại có thể tạo ra một thế hệ bác sĩ ra trường mà chẳng biết làm gì. Tương tự như nhiều điều dưỡng hệ trung cấp và cao đẳng đào tạo rất nhiều gần đây, nhiều vô số kể và trình độ cũng vô số kể, nhưng phần lớn trong số đó phải học thêm rất nhiều mới có thể làm việc được.

Hiện nay, điểm tuyển đầu vào ĐH y theo tôi biết là thuộc tốp cao, nhiều thí sinh đạt 27 điểm vẫn chưa đậu. Vậy các trường cũng đào tạo bác sĩ nhưng điểm bình dân hơn, ví dụ như 20 điểm là đậu chẳng hạn, thì khi ra trường rất có thể anh bác sĩ 29 điểm đầu vào không xin được chỗ làm việc tốt bằng anh 20 điểm. Như vậy có thể gây xáo trộn rất lớn về chất lượng bác sĩ.

GS Lương Xuân Hiến (hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Thái Bình):

Mở ngành dễ dãi, hậu quả lâu dài

Tôi không đồng ý việc Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được mở đào tạo ngành y đa khoa và dược học, nhất là khi chính Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn dừng mở các ngành đặc thù này ở trường ĐH đa ngành vừa cách đây chưa đầy một năm.

Có thể dựa trên giấy tờ thì trường thống kê đủ số lượng giảng viên, trang thiết bị theo yêu cầu, nhưng với đặc thù đào tạo ngành y, liên quan đến sức khỏe con người phải hết sức thận trọng. Việc cho phép đào tạo ngành y một cách dễ dãi sẽ để lại hậu quả lâu dài, khi cứ học xong, bất luận chất lượng đào tạo ra sao, sinh viên tốt nghiệp cũng thành cán bộ y tế, thực hành việc khám, điều trị cho người bệnh.

Phải đảm bảo chặt chẽ đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu gắn bó với trường, chứ không phải chỉ “đánh trống, ghi tên”. Và hơn hết, đó phải là những người có kinh nghiệm, có khả năng đào tạo “cầm tay chỉ việc” cụ thể cho sinh viên ngành y. Mức điểm chuẩn ngành y đa khoa của các trường chuyên ngành y - dược thường ở mức 25-26 điểm trở lên, mà nay một trường mới mở lại đặt điều kiện nhận hồ sơ từ 20 điểm thì rõ ràng có sự chênh lệch chất lượng đầu vào, ảnh hưởng chất lượng đào tạo sau này.

L.ANH - N.HÀ ghi


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151127/truong-kinh-doanh-cong-nghe-day-y-duoc-moi-bo-noi-mot-kieu/1010200.html