Chào bạn. Ở nguyện vọng 1 thí sinh được nộp hồ sơ xét tuyển đồng thời vào hai trường cùng lúc, mỗi trường được chọn tối đa hai ngành. Dĩ nhiên có khả năng thí sinh sẽ trúng tuyển cả hai trường.

Tuy nhiên, mỗi thí sinh chỉ có một giấy báo kết quả thi. Khi nhập học, thí sinh buộc phải nộp giấy báo kết quả thi cho trường trúng tuyển. Khi thí sinh nộp giấy báo này cho trường nghĩa là đã chọn trường đó theo học, không thể nhập học vào trường khác.

Hiện Bộ GD-ĐT không quy định việc trả lại giấy báo kết quả cho thí sinh khi đã nhập học và nộp cho trường. Việc có trả lại giấy này cho thí sinh trúng tuyển hay không là do trường quyết định.

Ngành luật kinh tế và luật khác nhau thế nào? Có phải cơ hội việc làm ngành luật kinh tế hẹp hơn ngành luật? (Phú Nguyễn)

- TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - trả lời: Luật là ngành đào tạo kiến thức chung, phổ quát về ngành luật, bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như luật hành chính, luật kinh tế, luật hình sự... Trong khi đó ngành luật thương mại hay luật kinh tế là ngành luật chuyên sâu về kinh tế, bao gồm các luật liên quan đến kinh tế, kinh doanh, hợp đồng thương mại...

Do đó, nếu muốn làm việc trong các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế, các tổng công ty thì theo học ngành này. Còn nếu muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước, hành chính sự nghiệp, tòa án... thì nên theo học ngành luật.

Chương trình tài năng của ngành điện tử truyền thông ở ĐH Bách khoa điểm chuẩn có cao không, tuyển sinh thế nào? Chương trình này khác thế nào so với chương trình đại trà? (Nguyễn Quang Hải)

- TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trả lời: Sau khi trúng tuyển vào trường, học một năm, căn cứ vào kết quả học tập trường sẽ tuyển những sinh viên giỏi vào học chương trình tài năng.

Theo học chương trình tài năng, sinh viên sẽ được ưu tiên hơn về cơ sở vật chất, giảng viên, phòng thí nghiệm, học bổng cũng sẽ nhiều hơn. Điểm chuẩn ngành này chương trình tiếng Việt sẽ cao hơn chương trình tiếng Anh. Bằng tốt nghiệp cũng sẽ ghi rõ chương trình kỹ sư tài năng.

Cho em hỏi ngành logistics đào tạo những gì, cơ hội việc làm của ngành này có nhiều không? (Hồ Minh Dũng)

- TS Nguyễn Tiến Khoa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - trả lời: Giải thích ngành này dịch ra tiếng Việt là dịch vụ hậu cần - chuỗi cung ứng.

Theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức cốt lõi liên quan đến các hoạt động chuỗi cung ứng: như lập kế hoạch nhu cầu, mua hàng, kiểm soát hàng tồn kho, xử lý vật liệu, vận chuyển, kho bãi, đóng gói sản phẩm và hỗ trợ dịch vụ, xuất nhập khẩu...

Hiện nay nhiều người làm việc trong lĩnh vực này thường chuyển từ ngành khác sang, bởi logistics mới được các trường đào tạo trong vài năm gần đây.

PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - bổ sung: Ngành này kết nối các phương tiện vận tải từ đường thủy, hàng không, đường sắt, đường bộ để đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng. Hiện ngành này có nhu cầu nhân lực rất lớn.

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuyensinh.tuoitre.vn/tin/tu-van-247/20160301/trung-tuyen-ca-2-truong-phai-lam-sao/1059610.html