Tranh luận về phương án dự thi THPT 2017
Theo dự thảo do Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ, đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017 có 3 điểm khác biệt lớn so với năm nay.
Thứ nhất, kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến giao về các Sở GD&ĐT chủ trì, cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng không còn.
Thứ hai, Bộ sẽ tổng hợp một số môn thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ Văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Thứ ba, Bộ GD&ĐT dự kiến, từ năm 2017, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, kết quả các bài thi THPT quốc gia, sơ tuyển kết hợp thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Phước Tuần.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tự tổ chức thi phải công khai cấu trúc bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, phương thức thi, cách tính điểm xét tuyển.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết theo đề án mới, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ mở rộng hơn, tránh tình trạng học lệch, học tủ và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác chấm thi.
Phương án thi mới gây ra nhiều luồng dư luận trái chiều trên mạng xã hội những ngày qua.
Phần lớn giáo viên, học sinh và phụ huynh lo ngại trước thông tin sẽ thi 5 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Nhiều người cho rằng, việc tổng hợp các môn riêng lẻ thành môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội sẽ khiến khối lượng kiến thức tăng lên, tăng gánh nặng học tập cho học sinh.
Bên cạnh đó, một số người lo ngại đề Toán được ra dưới dạng trắc nghiệm khách quan.
“Ba năm cấp ba học theo hướng giải Toán tự luận, giờ thi trắc nghiệm, sao các em chuyển hướng kịp? Cách làm bài theo hai hình thức này hoàn toàn khác nhau, hướng học cũng khác nhau”, một độc giả nêu quan điểm.
Phan Mai, học sinh trường THPT Lộc Thái, Bình Phước, cho biết em học tốt môn Toán, từng tiếp xúc dạng Toán trắc nghiệm nhưng vẫn thấy hoang mang trước thay đổi này vì kiến thức trải rộng mà thời gian còn lại để học quá ít. Điều này khiến em và các bạn gặp khó khăn lớn trong kỳ thi sắp tới.
Ngoài ra, không ít người lo ngại, hình thức thi tự luận không đánh giá chính xác năng lực của học sinh, yếu tố may rủi sẽ nhiều hơn.
Nguyễn Hằng nhận định: “Tôi thấy hình thức thi trắc nghiệm không hay vì học sinh lười toàn đánh bừa, khó tìm ra được người giỏi thực sự”.
Một độc giả khác góp ý, đề nên ra dạng 50% trắc nghiệm và 50% tự luận. Như vậy, học sinh sẽ tư duy tốt hơn, ra đời dễ thành công hơn. Đề trắc nghiệm 100% dễ tạo ra thế hệ không biết gì cả.
Ngoài ra, một số người lo ngại, hình thức thi và phương thức ra đề mới sẽ gây khó khăn cho thí sinh tự do. Nhưng Bộ có thể khắc phục bằng cách ra đề thi minh họa cho trường hợp cụ thể để thí sinh dễ nắm bắt.
Trước phương án thi mới, nhiều nhà giáo dục bày tỏ lo ngại, việc đổi mới thường xuyên sẽ ảnh hưởng tâm lý của học sinh.
Trả lời báo Tiền Phong, ông Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia 2016 về cơ bản đã ổn. Học sinh đã quen với cách thức ra đề, cách thức thi cử, xét tuyển 2016. Vì thế, năm nay không nên thay đổi quá nhiều gây xáo trộn tâm lý học sinh, phụ huynh.
Bên cạnh những ý kiến không đồng tình, một số người cho rằng cách làm mới của là hợp lý, khắc phục được những tồn tại của kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Chị Phan Mai, một phụ huynh có con học lớp 12, bày tỏ: “Lâu nay, nhiều học sinh chỉ tập trung 3 môn của khối thi đại học. Hiện tại, Bộ ra đề dạng tổng hợp nên phải học thêm môn ngoài dự kiến thì các em kêu ca. Trong khi đó, Bộ đã nói đề chủ yếu nằm ở lớp 12. Giờ học sinh mới vào năm học, sao kêu không kịp? Các em chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là ổn”.
Cô hy vọng, trước cách làm mới của Bộ, học sinh sẽ chú tâm học hành hơn thay vì kêu ca.
Bạn Hoàng Huy có chung quan điểm. Theo anh, đây là cách làm hay, tránh được tình trạng học lệch và giúp học sinh có kiến thức rộng hơn.
Độc giả Anh Khoa cũng đồng tình với phương án dự kiến của Bộ. “Ủng hộ thi tất cả các môn bằng hình thức trắc nghiệm, điều này các nước tiên tiến đã làm lâu lắm rồi”, Anh Khoa bình luận.
Thầy Nguyễn Quốc Tuấn, giáo viên ở Hà Tĩnh, khẳng định, hình thức thi trắc nghiệm có lợi với học sinh. Bên cạnh đó, việc tổng hợp các môn thành một giúp các em nắm lượng kiến thức rộng hơn.
Trao đổi với Vietnamnet, GS Lâm Quang Thiệp, ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng, các thầy cô, phụ huynh và học sinh cần làm rõ bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội là các bài thi “tổng hợp” chứ không phải “tích hợp”.
Theo ông, hai điểm mới của phương án dự kiến cải tiến cho năm 2017 - sử dụng các bài thi tổng hợp cho nhiều môn, và có thêm một số môn mới áp dụng phương pháp trắc nghiệm - hoàn toàn không đáng lo lắng.
Chị Phương Dung đánh giá cao cách làm mới song Bộ nên cân nhắc thời gian thực hiện. Đây cũng là ý kiến của nhiều người. Họ cho rằng, đề án này cần được tiến hành theo lộ trình, cho học sinh và giáo viên thời gian để chuyển hướng, thích nghi với phương thức thi và ra đề mới.
“Bộ thay đổi rất khách quan nhưng cần cho đề minh họa sớm để thí sinh dựa vào đó ôn tập. Ngoài ra, Bộ cần làm rõ hơn việc tổng hợp các môn riêng thành môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, tránh gây hoang mang cho các em”, chị Dung góp ý.
Theo Zing