Từ ngày 26 đến 28-7, các trường đại học (ĐH) xét tuyển bằng kết quả thi THPT sẽ nhận dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình để lọc ảo, tính toán điểm chuẩn chính thức để công bố vào ngày 1-8. Đại diện các trường ĐH phía Nam tham gia xét tuyển nhóm xác nhận hệ thống phần mềm hỗ trợ xét tuyển, lọc ảo đã sẵn sàng để tiến hành chạy lọc ảo, phục vụ công tác tuyển sinh năm 2017.

Các trường chính thức lọc ảo

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng phần mềm lọc ảo này dùng chung cho cả nhóm (85 trường ĐH phía Nam), có chức năng thông báo tình trạng thí sinh đã trúng tuyển vào ngành nào, trường nào và số thí sinh chưa trúng tuyển vào các ngành để các trường chưa tuyển đủ nắm được thông tin để xét tuyển tiếp. Ngoài ra, các trường đều có phần mềm xét tuyển riêng để chủ động tính toán phương án tuyển sinh phù hợp với năng lực, đặc thù của trường mình.

Tuy nhiên, ông Dũng nói thêm việc các trường tốp trên lấy điểm bằng điểm sàn sẽ ảnh hưởng đến các trường tốp dưới vì thí sinh đăng ký nguyện vọng (NV) vào trường tốp trên nhưng bị rớt (do thí sinh ngộ nhận điểm xét tuyển) thì không đăng ký lại được.

ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá thực tế điểm sàn là để cảnh báo chứ khi tham gia xét tuyển chung không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý một số trường tốp trên vẫn giữ nguyên mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn, điều này gây tâm lý hồi hộp cho thí sinh, vì thực tế điểm trúng tuyển vào các trường này cao hơn điểm sàn rất nhiều. Trong khi không phải tất cả thí sinh nắm đủ thông tin để đoán định mức điểm của mình có an toàn hay chưa.

Thí sinh hồi hộp với trường tốp trên - 1

Ngoài hình thức xét tuyển bằng kết quả điểm thi THPT quốc gia, các trường ĐH-CĐ còn xét tuyển kết quả học bạ THPT. Ảnh: P.ĐIỀN

Theo ông Đương, thể hiện trách nhiệm đối với thí sinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển 18-20 để thí sinh bớt phập phồng, đưa ra quyết định có tiếp tục xét tuyển vào trường hay không. Bởi vậy khi trường công bố ngưỡng điểm xét tuyển từng ngành, có khoảng 7.000 thí sinh đã thay đổi NV, rút hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. “Nhìn vào phổ điểm cho thấy đa phần các em có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái đã chủ động điều chỉnh NV, rút khỏi Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Việc thí sinh chủ động điều chỉnh NV phù hợp với sức học của mình, giúp thí sinh xét tuyển vào ngành/trường phù hợp với năng lực và nhà trường không mất nhiều thời gian xử lý hồ sơ” - ông Đương nói.

Ưu tiên hết NV1 hay chọn thêm NV2, NV3?

Theo TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, năm nay thí sinh có nhiều NV để lựa chọn, vấn đề là thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với năng lực và điều kiện tài chính của gia đình. Tuy nhiên, một điều đang đặt ra với các trường là ưu tiên tuyển cho đủ chỉ tiêu với những thí sinh đã đăng ký NV1 hay chọn thêm những thí sinh có điểm cao hơn ở NV2, NV3… Đây là quyết định mà hội đồng tuyển sinh các trường phải giải quyết.

“Việc sàng lọc, đưa ra quan điểm lựa chọn thí sinh đăng ký NV2, NV3 có điểm thi cao hơn hay ưu tiên cho các em có NV1 hoặc cân đối tỉ lệ các NV để đẩy điểm chuẩn cao hơn, đó là nội bộ các trường cần bàn tính. Tuy nhiên, khá dễ hình dung NV2 là con dao hai lưỡi vì nếu ưu tiên NV1 theo sở thích, đam mê thì buộc NV2, NV3 mất cơ hội, ngược lại nếu cân đối tỉ lệ giữa các NV thì buộc NV2, NV3... phải có điểm cao hơn để cạnh tranh” - TS Lý chia sẻ.


Nguồn: 24h