Nhiều phương án xét tuyển

Đến thời điểm này, hầu hết các trường CĐ, ĐH đã công bố phương án xét tuyển và chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, năm nay Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh xét tuyển dựa vào điểm thi THPT Quốc gia, môn chính sẽ được nhân hệ số 2. Riêng ngành Thiết kế thời trang, thí sinh sẽ thi môn năng khiếu vẽ (trang trí màu nước) trong kỳ thi do trường tổ chức hoặc nộp kết quả thi từ trường khác để xét tuyển. ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dành 20% chỉ tiêu ngành Sư phạm tiếng Anh và Ngôn ngữ Anh để xét tuyển thẳng các thí sinh đạt điểm IELTS quốc tế từ 6.5 trở lên hoặc tương đương. Trường sử dụng tối đa 10% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng hai loại đối tượng: Xét học bạ THPT đối với thí sinh học lớp chuyên (toán học, vật lý, hóa học, tiếng anh, sinh học) của trường chuyên quốc gia hoặc tỉnh, thành có điểm trung bình chung từng môn theo tổ hợp xét tuyển từ 8.0 trở lên. Đối tượng thứ 2 là thí sinh tốt nghiệp THPT 2016 loại giỏi trở lên (điểm 4 môn thi từ 32 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 7).

Thí sinh được lợi, nhà trường cân nãoVới quy định mới tuyển sinh năm nay nhiều trường "cân não" để giải bài toán hồ sơ ảo.

Thầy Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, cho biết điểm mới quan trọng trong phương án xét tuyển năm nay là trường bỏ hình thức xét tuyển học bạ THPT với ngành kỹ thuật ô tô mà chỉ xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia. Cũng trong năm nay, nhà trường bỏ tuyển sinh tất cả các ngành bậc cao đẳng và chuyển chỉ tiêu này lên bậc đại học.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh sẽ tuyển 4.500 chỉ tiêu cho các chuyên ngành hệ chính quy, đào tạo theo chương trình tiên tiến quốc tế ở bậc ĐH. Theo thầy Nguyễn Ngọc Thái, Chuyên viên phòng Đào tạo tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, cũng như năm trước, trường dùng điểm tốt nghiệp THPT Quốc gia do các trường ĐH tổ chức thi làm điểm xét tuyển. Tuy nhiên, trong năm nay, trường có một số thay đổi về xác định điểm chuẩn và chỉ tiêu ở một số ngành như: Hệ thống thông tin, Kinh tế học, Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Kinh tế chính trị… có chỉ tiêu riêng cùng điểm chuẩn riêng và môn toán hệ số 2. Trong đó, các ngành và chuyên ngành Kinh tế chính trị, Kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Toán tài chính, Thống kê kinh doanh có mức thu học phí chỉ bằng 50% học phí so với các ngành học khác của trường.

Năm nay, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh cũng có phương án xét tuyển khác so với năm ngoái. Nếu như năm trước, mỗi trường tự nhận hồ sơ của mình thì năm nay chỉ có một đầu mối nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và được thực hiện trực tuyến. Bên cạnh đó, sẽ xét tuyển liên thông trong toàn bộ các trường thành viên. Cụ thể, thí sinh sẽ được đăng ký nhiều nguyện vọng trong toàn hệ thống các trường thành viên và được xét tuyển lần lượt theo thứ tự ưu tiên; đồng thời ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh cũng mở rộng đối tượng ưu tiên xét tuyển hơn.

Các trường "e dè" tham gia nhóm

Trong đợt xét tuyển của kỳ thi tuyển sinh ĐH 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí sinh được chọn 2 trường, mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Nhiều ý kiến cho rằng, với quy chế này rất có lợi cho thí sinh nhưng lại đang gây "khó" cho các trường. Nhìn nhận về thực trạng này, thầy Nguyễn Ngọc Thái cho rằng “với quy chế mới này khiến cho các trường ĐH rơi vào tình trạng hồ sơ "ảo". Bởi vậy trong kỳ tuyển sinh này, các trường ĐH sẽ phải "cân não" để tìm cách chống lượng hồ sơ ảo”.

Theo đó, để giải quyết bài toán "hồ sơ ảo", các trường cũng đang tìm các giải pháp xử lý. Giải pháp được đánh giá cao nhất hiện nay là thành lập nhóm trường. Hiện nay mới chỉ có 9 trường phía Bắc thực hiện theo giải pháp này còn các trường ở khu vực phía Nam vẫn còn "e dè" với nhóm giải pháp này. Theo Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, trường áp dụng tuyển sinh theo đề án cũ là vừa lấy kết quả thi THPT Quốc gia và dựa vào bài kiểm tra năng lực nên khó có thể xét tuyển chung với các trường khác. Bên cạnh đó, trường cũng cần phải có một khoảng thời gian dài để chuẩn bị nếu muốn tham gia vào nhóm trường.

Tương tự, thầy Nguyễn Ngọc Thái cũng cho biết, năm nay Trường ĐH Kinh tế chưa tham gia vào xét tuyển theo nhóm vì đây là ý tưởng mới, trường chưa có chuẩn bị kịp, đồng thời cách thức cũng chưa rõ ràng nên trường vẫn còn ngần ngại. "Để chống hồ sơ ảo, trường cũng đã lên phương án tính toán. Năm nay trong phiếu đăng ký xét nguyện vọng có mục giống như thu thập thông tin trường thứ 2, trường sẽ dựa vào đó để tính toán số lượng hồ sơ ảo. Bên cạnh đó, sau khi trường công bố kết quả trúng tuyển trong 48 giờ thí sinh phải nộp phiếu điểm chính về trường để xác nhận sẽ học tại trường", thầy Nguyễn Ngọc Thái cho biết thêm.

Chính vì sự e dè khi tham gia nhóm, nên hiện rất nhiều trường thực hiện tuyển sinh theo phương pháp của mình. Theo các chuyên gia tuyển sinh, do mỗi trường có những phương án tuyển sinh khác nhau nên khi nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường nào, thí sinh phải tìm hiểu rõ quy chế tuyển sinh của trường đó để tránh gặp “rối” sau này.

Theo Tin Tức, nguồn: http://baotintuc.vn/giao-duc/thi-sinh-duoc-loi-nha-truong-can-nao-20160403225618845.htm