Đủ kiểu “sống mòn” chờ việc

SV Việt Hà đang học năm thứ 2 trường ĐH Mở TP HCM chia sẻ về chuyện của mình khá điển hình về chuyện những Tân Cử nhân ra trường phải chống chọi ra sao với cuộc sống . Trước khi là SV ĐH Mở, Việt Hà đã từng tốt nghiệp CĐ 3 năm ngành Lưu trữ -Quản trị học của ĐH Sài Gòn, nhưng ra trường, mang hồ sơ đi xin việc, không nơi nào ngó ngàng tới cái chuyên môn của một chàng trai trẻ làm Lưu trữ.

Nhìn mẹ rầu rĩ, Việt Hà đành từ bỏ vùng quê ngay khi kết thúc CĐ, trở lại TP HCM xin “tá túc” vào một ngôi chùa sống nhờ nhà chùa vì không có tiền thuê nhà trọ. Rồi cậu cũng xin được vào làm tại một công ty tư nhân có nhu cầu tuyển dụng ngành Lưu trữ văn thư. Được ông Giám đốc ưu tiên trả với mức lương khoảng 3 triệu/tháng, Hà dùng tiền lương này thuê nhà trọ, đóng phí đi học thêm khối C để quyết tâm thi lại ĐH. Sự kiên trì và chịu khó của Hà rốt cục cũng được đền đáp. Đợt tuyển sinh 2013-2014 Hà đạt vừa đủ điểm vào ĐH Mở TP HCM và giờ đã là SV khoa Luật Kinh tế năm thứ 2. Bạn tâm sự: “Ngành Luật mới là ước mơ của em. Nhưng lúc trước khi trường CĐ gửi giấy báo đủ điểm, ngành Quản trị văn phòng em không thích cũng đành phải đi vì xung quanh bạn đi học hết, nhưng tấm bằng ĐH mới có cơ hội xin việc tử tế, kiểu gì cũng  phải vào ĐH”.

Sinh viên vật vã tìm việc sau khi tốt nghiệp đại học

Sinh viên vật vã tìm việc sau khi tốt nghiệp đại học

Một câu chuyện khác: Tốt nghiệp ngành Kinh tế tại một trường ĐH lớn ở TPHCM nhưng 2 năm nay, Minh Ngọc (ngụ tại Lâm Đồng) vẫn chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành. Ngọc đành nhận việc phát tờ rơi cho một công ty với mức lương 2,1 triệu đồng. Không thể sống nổi với mức lương này, Ngọc xin đi bán hàng thêm ở chợ đêm Hạnh Thông Tây. Hết giờ làm chính thức, Ngọc ăn vội chén cơm nguội rồi ra chợ bán hàng đến 11h đêm. Về đến nhà là nằm thẳng tay, chân ngủ li bì. “Em cảm thấy mình không tìm ra lối thoát. Giữa mưu sinh để sống và thực hiện ước mơ hoài bão có khoảng cách xa lắm”. Bạn tâm sự.

Chủ động tìm ra “chìa khóa” cho con đường đeo đuổi ước mơ

Theo số liệu tổng hợp của Tổng cục thống kê, hiện cả nước có 162.400 người có trình độ từ ĐH trở lên trên cả nước bị thất nghiệp . 79.100 người có trình độ CĐ thất nghiệp.

Song theo ông Trần Anh Tuấn, Quyền giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, trong quí 3/2014, nhu cầu tuyển dụng nhân lực tập trung các nhóm ngành nghề như: Công nghệ thông tin, Điện - điện lạnh - điện công nghiệp, Kế toán - kiểm toán, …rất cao. Đặc biệt, nhu cầu nhân lực CNTT, lĩnh vực “lập trình viên thiết bị di động” tiếp tục tăng chiếm tới 15% nhu cầu tuyển dụng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Lý do SV ra trường không đạt chất lượng, phải đào tạo lại. Trong khi Lập trình viên ngành này mới ra trường đạt yêu cầu có thể được trả mức lương dao động trên dưới 500 USD/tháng, nếu có kinh nghiệm từ 2 đến 3 năm, mức lương có thể đạt 1.000 USD/tháng.

Khi đưa ra dẫn chứng thông tin trên, trao đổi với ông Ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên  tuyển sinh CQĐD Bộ GD-ĐT tại TP HCM phân tích: Kinh tế vài năm nay suy giảm ảnh hưởng tới nhu cầu nhận người; SV ta lựa chọn ngành theo “cảm hứng” là nhiều; quá trình đào tạo nhiều nơi lại không đáp ứng được chất lượng của nhà tuyển dụng. Đây là 3 nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng hiện tại

Nguồn CAND, http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/9/244831.cand